Vụ nữ công nhân 21 tuổi đâm thương vong 3 người vì bị vây đánh
“Hành vi dùng dao đã chuẩn bị sẵn từ trước để đâm nhiều nhát vào người nạn nhân khiến nạn nhân tử vong có thể được xác định là hành vi giết người. Tuy nhiên cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vụ việc có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hay phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh”, luật sư nhận định.
Sáng 11/3, thông tin từ Công an tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị này đang phối hợp Công an huyện Chơn Thành điều tra làm rõ vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra tại Khu công nghiệp Minh Hưng (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành) khiến 3 người thương vong.
Nghi phạm trong vụ án là Lê Thị Kim Cúc (21 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành), công nhân Công ty S&K ở Khu công nghiệp Minh Hưng. Nạn nhân tử vong là Trương Minh Du (29 tuổi, ngụ Bình Phước).
Hai người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện là Nguyễn Thị Trang (30 tuổi, ngụ huyện Chơn Thành; phó quản lý phân xưởng D Công ty S&K) và Nguyễn Thị Thùy (chưa rõ lai lịch).
Nữ công nhân 21 tuổi phòng vệ chính đáng hay phạm tội giết người?
Nhận định về vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là một vụ việc nghiêm trọng, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ sự việc để xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Hành vi dùng dao đã chuẩn bị sẵn từ trước để đâm nhiều nhát vào người nạn nhân khiến nạn nhân tử vong có thể được xác định là hành vi giết người, tuy nhiên cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ vụ việc có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hay phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh hay không trước khi quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì Cúc sử dụng dao đâm nhiều nhát về phía các nạn nhân khiến một người tên Du tử vong do hai bên mâu thuẫn, xô xát với nhau. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ tại thời điểm Cúc dùng dao đâm về phía nạn nhân thì hành vi trước đó của các bên như thế nào, việc sử dụng dao có phải là tình huống không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác hay không?
Luật sư Cường cho biết, theo quy định tại điều 22 bộ luật hình sự thì “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.
Bởi vậy, để xác định hành vi của Cúc có phải là phòng vệ chính đáng hay không thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các nạn nhân có đang đe dọa uy hiếp tinh thần, tính mạng, sức khỏe của Cúc và của những người khác hay không.
Hành vi sử dụng dao đâm vào nạn nhân có phải là cách duy nhất, không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng của mình hay không. Khi đó mới xác định là hành vi này có được xác định là phòng vệ chính đáng hay không.
Luật sư phân tích, nếu trường hợp, kết quả điều tra cho thấy Cúc đã chuẩn bị con dao nhọn từ trước, do mâu thuẫn nên Cúc cũng có ý định sẽ dùng dao để gây thương tích, thậm chí sát hại nạn nhân. Khi sự việc xảy ra, hai bên xông vào nhau thì Cúc đã cầm dao và đâm nạn nhân thì hành vi này không được xác định là phòng vệ chính đáng, động cơ mục đích của hai bên là điều mong muốn gây thương tích cho nhau, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của nhau nên hành vi của hai bên đều là vi phạm pháp luật.
Vụ nữ công nhân 21 tuổi đâm thương vong 3 người trước cổng công ty: Lạnh lùng khoảnh khắc gây ánChồng nữ công nhân 21 tuổi đâm 3 người thương vong vì bị vây đánh: Bình thường vợ tôi rất hiền lành, không gây gổ với ai
Trong tình huống do mâu thuẫn từ trước mà hai bên hẹn địa điểm để đánh nhau, cùng muốn gây ra thương tích cho nhau thì cả hai bên đều bị xử lý hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích và tội gây rối trật tự công cộng tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể của mỗi bên.
Còn trong trường hợp Cúc không có ý định đánh nạn nhân, hành vi ban đầu được xác định là phòng vệ chính đáng nhưng quá mức cần thiết (có thể lựa chọn những cách phòng vệ khác như bỏ chạy, kêu cứu, hoàn toàn có thể gây ít tổn thương hơn cho nạn nhân nhưng Cúc đã không lựa chọn mà đã thực hiện hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Điều 22 bộ luật hình sự cũng quy định: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.
Tiến sĩ luật cho rằng, pháp luật Việt Nam cho phép mọi công dân đều có quyền tự vệ, phòng vệ để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân và của người khác. Tuy nhiên hành vi tự vệ, phòng vệ này không phải là mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác mà chỉ để nhằm triệt tiêu vũ lực, sức tấn công mà người khác đang thực hiện, để tránh hoặc giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra.
Còn đối với những trường hợp do mâu thuẫn, bực tức mà chuẩn bị sẵn công cụ phương tiện phạm tội, chuẩn bị sẵn hung khí nguy hiểm để đâm vào người đối phương thì hành vi này không được xác định là phòng vệ chính đáng!
Những người liên quan trong vụ việc sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư Cường cho rằng, trong vụ án này rất có thể Cúc sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người, những người khác sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.
Những tình tiết để xác định trách nhiệm pháp lý là nguyên nhân mâu thuẫn trước đó, những lời thách thức, dọa nạt trước đó và hành vi cụ thể giữa các bên khi gặp nhau ở cổng công ty. Việc Cúc chuẩn bị sẵn hai con dao nhọn cũng là yếu tố quan trọng để xác định động cơ mục đích của cô gái này đối với hành vi sát hại nạn nhân.
Nếu kết quả điều tra cho thấy hai bên đã có mâu thuẫn từ trước, đã có ý định xâm hại tính mạng, sức khỏe của nhau từ trước nhưng đã được can ngăn.
Đối tượng Cúc đã chuẩn bị dao nhọn để có ý định sẽ tấn công nạn nhân khi có cơ hội, hành vi dùng vũ lực của nhóm Trang chưa đến mức có thể tước đoạt tính mạng của Cúc nhưng Cúc đã dùng dao nhọn đâm liên tục, nhiều nhát vào nhiều nạn nhân với mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì trong trường hợp này cơ quan điều tra sẽ xử lý hình sự đối với Cúc theo điều 123 bộ luật hình sự về tội giết người với tình tiết định khung là có tính chất côn đồ, giết nhiều người nếu như hành vi có thể dẫn đến nhiều người có thể tử vong).
Khung hình phạt mà đối tượng phải đối mặt trong vụ án này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Nếu trường hợp đối tượng bị xử lý về tội giết người nhưng quá trình tố tụng có căn cứ cho thấy nạn nhân cũng có lỗi một phần thì đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo.
Ngoài ra, luật sư cho rằng, đối với những đối tượng có mặt trên hiện trường, có thực hiện hành vi đánh nhau mà gây ra thương tích cho người khác thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích. Những đối tượng không gây thương tích cho người khác nhưng có tham gia đánh nhau thì sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Với những vụ án đánh nhau nơi công cộng như thế này mà hậu quả thương tích nghiêm trọng hoặc chết người thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố hình sự vụ án hình sự về nhiều tội danh, trong đó có thể có những tội cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng. Có thể khởi tố cả hai bên với những tội danh khác nhau tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể.