Bão Rai "có đường đi kì dị", hiếm gặp trong vòng 50 năm qua

Bão Rai “có đường đi kì dị”, hiếm gặp trong vòng 50 năm qua

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủ văn Quốc gia, vào hồi 19h ngày 17/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 19 giờ ngày 18/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 150km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.

Vị trí và đường đi của bão Rai (Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia)

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,0 đến 14,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 19 giờ ngày 19/12, vị trí tâm bão ở khoảng 14,1 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi Quảng Ngãi – Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (120-135km/giờ), giật cấp 15.

Theo Người lao động, bão số 9 có đường đi khá kì dị. Thống kê từ năm 1951-2021 trong tháng 12 có 100 cơn bão xuất hiện trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, nhưng đa số ở ngoài Biển Đông, một số cơn đi vào biển Đông thì di chuyển chủ yếu ở phía Nam biển Đông, rất ít có những cơn đi lên phía Bắc, và đường đi giống cơn bão Rai (bão số 9) thì chưa xuất hiện.

Theo Zing, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết thông thường vào tháng 12, bão đi vào khu vực phía nam của Biển Đông cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh, thành phố phía Nam.

Trong khi đó, sau khi quét qua phía bắc đảo Trường Sa vào ngày 18/12, bão Rai được dự báo có xu hướng đi ngược lên phía bắc. Đó là sự khác thường về đường đi của bão so với nhiều năm.

Nhận định Rai là cơn siêu bão hiếm gặp trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương trong những năm gần đây, ông Năng cho biết lần gần nhất khu vực đón siêu bão trong tháng 12 là vào năm 2016. Dù vậy, cơn siêu bão Nocten khi đó giảm cấp rất nhanh sau khi vào Biển Đông, chỉ tồn tại với sức gió mạnh cấp 10-11.

Còn bão Rai dù hoạt động vào cuối mùa nhưng có thể duy trì cường độ mạnh tới cấp 13 sau khi vào Biển Đông. Đây là điểm khác thường.

2 kịch bản có thể xảy ra với bão Rai

Theo Tiền phong, hai kịch bản có thể xảy ra với cơn bão Rai, trong đó kịch bản lớn nhất (xác suất 80%) là bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc trong 24-48 giờ tới (tính từ 17h chiều 17/12) với tốc độ rất nhanh (20-25km), cường độ rất mạnh, duy trì ở cấp 12-13, giật trên cấp 15.

Sau đó, từ ngày 19/12, bão có nhiều dấu hiệu đổi hướng và di chuyển theo hướng Bắc, đi dọc vùng biển các tỉnh Trung Bộ (từ Khánh Hòa đến Quảng Trị), cường độ suy yếu dần còn cấp 11-12, giật cấp 15. Đến sáng 20/12, khi cách bờ biển Đà Nẵng-Bình Định khoảng 150km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 12 (120-135km/giờ).

Với kịch bản này, cơ quan khí tượng lưu ý, với sai số dự báo 72 giờ khoảng 200-220km, bão có khả năng sẽ vào sát đất liền nước ta. Với khoảng cách và khả năng ảnh hưởng rất cao như vậy nên ngày 19-20/12 sẽ là thời điểm gió mạnh nhất ở vùng ven biển và đất liền nước ta. Dự báo từ đêm 18/12 đến hết ngày 19/12, do ảnh hưởng của bão, khu vực Trung và Nam Trung Bộ sẽ có mưa to với tổng lượng mưa khoảng 150-250mm. Tuy nhiên, bão đi nhanh nên mưa cũng sẽ kết thúc nhanh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của rìa phía Tây của hoàn lưu bão số 9 cộng với tác động của không khí lạnh nên từ đêm mai (18/12), khu vực biển từ Quảng Bình đến Bình Định, Phú Yên bắt đầu mạnh lên cấp 8, ngày 19-20/12 có khả năng lên tới cấp 10-11.

Đảo Lý Sơn được dự báo là nơi sẽ có gió mạnh nhất do ảnh hưởng của cơn bão này. Trong thời gian từ 19/12 đến rạng sáng ngày 20/12, tại đây có thể đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Ngoài ra, Phú Quý dự báo có thể có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 trong ngày 18/12. Đảo Cồn Cỏ cấp 7, cấp 8, giật cấp 9-10 trong ngày 19-20/12. Vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có gió cấp 6-7, giật cấp 9.

Một kịch bản khác được dự báo với xác suất thấp hơn (khoảng 20%) nhưng kinh hoàng hơn là bão có thể vượt qua kinh tuyến 110 và đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi. Đối với kịch bản này, khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, kèm theo sóng lớn 5-7m, nước dâng do bão từ 1m, lượng mưa phổ biến từ 200-250mm.

Cơ quan khí tượng đặc biệt lưu ý, dù xác suất cao nhưng kịch bản bão Rai đi sát kinh tuyến 110 và đi lên phía Bắc cũng chỉ là một khả năng, thậm chí có khả năng bão đổ bộ trực tiếp đến đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi rồi sau đó mới đi lên phía Bắc. Vì vậy các địa phương miền Trung, ngoài phương án ứng phó với gió mạnh trên biển, cần xây dựng kịch bản ứng phó với bão trên đất liền.