Câu hỏi lớn từ vụ bé gái nghi bị mẹ kế bạo hành đến chết: Đã đành "bánh đúc không xương", nhưng CHA Ở ĐÂU khi thân con lạnh ngay tại nơi lẽ ra phải là tổ ấm?
Vụ việc bé gái N.T.V.A. (8 tuổi) nghi bị dì ghẻ bạo hành dẫn tới tử vong mới đây khiến dư luận không khỏi phẫn nộ. Cơ quan Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã bắt khẩn cấp nghi phạm V.N.Q.Tr. (26 tuổi, ngụ tỉnh Gia Lai) – vợ sắp cưới của bố ruột bé A. để điều tra.
Tại cơ quan điều tra, người phụ nữ này thừa nhận đã bạo hành cháu A. dẫn đến tử vong.
Khác với những vụ án rúng động trước đó mà khi vụ việc bị đưa ra ánh sáng “người hàng xóm” thường nhận xét đối tượng trông ngoan hiền, gia đình không có xô xát, thì trong câu chuyện này ồn ào đã có từ trước đó.
Hàng xóm của gia đình nạn nhân kể lại, họ đã nhiều lần nghe tiếng trẻ con la hét vì bị đánh đập. Điều này cho thấy đây không phải là một phút lỡ tay hay phút nóng giận bất thường nào hết bởi những lời chia sẻ từ nhân chứng xung quanh như thế này: “Ban ngày cũng có, ban đêm cũng có, trước khi đi ngủ cũng có… Cái kiểu chửi và đánh nó quen thuộc đến nỗi tôi nghe là biết liền. Nó nhiều đến mức như vậy luôn”.
Khi bé A. tử vong, một cán bộ điều tra đã tiết lộ hình ảnh tại hiện trường: “Tại nơi bé sinh sống, được cho là hiện trường gây ra cái chết thương tâm, cơ quan chức năng ghi nhận còn nhiều hình ảnh đau lòng như cây lau nhà đã bị gãy, trên đó có dính chùm tóc của bé. Ngoài ra còn có bảng danh sách dài ghi hàng loạt công việc hàng ngày cháu bé 8 tuổi phải làm…”.
Khi bé gái 8 tuổi tử vong, “dấu vết bạo hành” trên cơ thể bé gái là nhiều vết bầm tím đau đớn, ngoài ra còn có vết thương được khâu vá mờ cũ trên vùng mặt.
Điều này chứng tỏ, đây không chỉ là câu chuyện 1 sớm, 1 chiều, nó đã xảy ra trước đó khá lâu. Theo lời kể của người hàng xóm tức thì tiếng la hét khóc lóc và ầm ĩ đó đã có từ 1 năm trước và gần đây trở thành nỗi ám ảnh của người xung quanh. Vậy người cha ruột có thể là kẻ đứng ngoài vô can khi đang chung sống cùng con mình nhưng lại để người tình ra tay hại chết con đẻ?
Cha ở đâu khi con phải chịu những đau đớn tận cùng ngay tại nơi lẽ ra là “tổ ấm”?
Theo lời người nhà nạn nhân kể thì một số người dân tại đây cho biết về việc bé A. bị đánh đập và nghe tiếng khóc của bé rất nhiều lần và báo bảo vệ. Khi bảo vệ lên hỏi, bố bé A. nói đây là chuyện riêng của gia đình.
Câu trả lời vô tâm về “chuyện riêng của gia đình” đã dẫn đến cái chết 1 đứa trẻ đáng thương, đáng nói hơn đó lại chính là con đẻ của anh ta. Dường như chuyện con ruột của mình bị bạo hành người cha không thể nào không hay biết hoặc hoàn toàn vô can. Và khi gười tình của mình gây án thì anh ta cũng không thể nào đứng ngoài cuộc dù ngay cả là kẻ gián tiếp gây ra cái chết cho con mình.
Cha mẹ ly hôn, người nhận quyền nuôi con không phải chỉ vì máu mù mà còn phải là tình yêu thương, sự quan tâm và săn sóc. Nhưng để người tình của mình xuống tay hại con ruột đến chết thì trách cô gái xinh đẹp, trông sang chảnh, quyến rũ nhường kia độc ác 1, người ta phẫn nộ với cha ruột 10.
Câu hỏi lớn nhiều người vẫn quan tâm rằng ngày người tình xuống tay đến mức đứa trẻ lìa trần anh ta liệu có mặt tại hiện trường? Anh ta có ung dung nhìn người tình “dạy dỗ” đứa con ruột như 1 cách “yêu cho roi cho vọt” không? Vì sao anh ta thờ ơ với tiếng khóc của con mình suốt 1 năm qua? Tại sao anh ta không ngăn cản bạo hành từ người tình?
Việc người cha ngăn cản không cho mẹ ruột gặp bé đã là một vết thương lòng với trẻ nhỏ. Điều gì thực sự đã xảy ra sau những tiếng khóc lóc, la hét thảm thiết kia của bé gái hàng năm trời, người ta không dám tưởng tượng đến. Bởi nó có thể nó sẽ là 1 hiện thực rùng mình.
Cuối cùng đứa trẻ không ngờ mình đã bị tước đi mạng sống không phải ở xã hội đầy hiểm ác rối ren ngoài kia, mà ngay trong nhà mình. Nơi có cha ruột em vẫn đang ở đó, người có thể đồng tình để cô bồ xinh đẹp “dạy dỗ” đứa con mình bằng việc đánh cho nó sợ và thậm chí là bạo hành nhẫn tâm.
Người ta không dám tưởng tượng đến nỗi đau của mẹ ruột bé sau bao ngày không được gặp con cuối cùng đến lúc gặp lại thì chỉ là 1 đứa trẻ bất động với chằng chịt những vết khâu mờ, những vết bầm tím, vết rách ở đầu… trái tim đã ngừng đập, hơi thờ cuối cũng cũng đã trút.
Vô tâm hay đồng loã?
Vụ việc diễn ra ngay ở thành phố lớn, không phải tại một vùng quê hẻo lánh, cũng chẳng phải một người cha ít học thiếu hiểu biết. Màn “cõng rắn cắn gà nhà” của người cha đã khiến 1 đứa trẻ chết tức tưởi theo cách chính cô bé cũng không thể ngờ.
Kiểu dạy dỗ bằng roi vọt đã làm cho hàng triệu đứa trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực, không chỉ bị bạo lực bởi chính cha mẹ của mình mà còn bởi những người có liên quan.
Theo nghiên cứu của Unicef gần đấy có khoảng 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1- 14 tuổi cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ, hoặc người chăm sóc trong gia đình. Dù việc bạo hành có thể diễn ra một cách phổ biến và thậm chí công khai, nhưng nhiều người vẫn cho đó là hình thức giáo dục theo văn hóa “thương cho roi cho vọt” một cách sai lệch.
Các hình thức bạo lực đối với trẻ em là: chửi mắng thô tục, làm nhục, dùng đòn roi để trấn áp thực tế để lại hậu quả hết sức nặng nề về thể chất và tinh thần của trẻ. Và gần đây sự gia tăng của nhiều vụ việc bạo hành trẻ em được đưa ra ánh sáng đã gây ra sự bức xúc lớn trong dư luận.
Quay lại vụ việc đau lòng này, bản chất sự việc như thế nào cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi, trách nhiệm của người cha trong tình huống này. Trong trường hợp người cha biết về hành vi đánh đập con nhưng không can ngăn mà lại còn giúp sức, xúi giục thì người cha này cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với người đã bạo hành cháu bé.
Nhưng trước tiên hãy nói về tòa án lương tâm. Cái giá phải trả của 1 sinh linh vô tội thực sự là bài học cảnh tỉnh cho những bậc làm cha làm mẹ, cho tất cả chúng ta… Đừng thờ ơ với tiếng khóc bất thường của một đứa trẻ nào ngay trong nhà mình hay từ nhà hàng xóm. Bởi biết đâu, hôm sau đến tiếng khóc ấy bạn cũng không còn nghe thấy.
Nói về người cha vô tâm đến mức vô tình hay đóng vai kẻ đồng lõa, anh ta sẽ phải đối diện với pháp luật và hơn hết là tòa án lương tâm của chính mình. Bất kỳ sự hối hận nào sẽ không mang trả lại được mạng sống cho 1 đứa trẻ vô tội. Dù cô bé lúc còn sống có lẽ đã yên tâm rằng dù không được gặp mẹ, nhưng cha mình đang ở đó sẽ là tấm lá chắn cho mình…
Và rồi sau những nước mắt, đau đớn, đòn roi và đánh đập cô bé bỗng không còn la hét. Sự đau đớn từ những vết thương bầm tím có lẽ cũng dịu lại.
Bé có thể sẽ mỉm cười vì nơi ấy không còn những đòn roi và những lời nhục mạ, cũng không có cái nhìn đồng lõa của cha khi người tình của mình vung tay lên…
Mong em sẽ không rớt nước mắt lần nữa khi 1 năm không gặp giờ bỗng thấy mẹ đang ôm mình! Sao sự “êm dịu” này của em lại là “nỗi đau đớn” cho người ở lại?
https://afamily.vn/cau-hoi-lon-tu-vu-be-gai-nghi-bi-me-ke-bao-hanh-den-chet-da-danh-banh-duc-khong-xuong-nhung-cha-o-dau-khi-than-con-lanh-ngay-tai-noi-le-ra-phai-la-to-am-20211227154100633.chn Bé gái 8 tuổi nghi bị mẹ kế bạo hành đến chết: Gần 1 năm không được gặp mẹ ruột do bố ngăn cấm, người thân tiết lộ lời nhắn nhủ cuối cùng đầy nước mắt