CEO "bốc hơi" cùng 200 tỷ đầu tư: Chốt ngôi nhà 17 tỷ trong nháy mắt, nói đạo lý cực ngọt
Đinh Công Đạt (sinh năm 1994, người sáng lập S.Tix Coffee) – cái tên sáng nhất mạng xã hội từ hôm qua đến nay vì ồn ào gọi vốn 200 tỷ đồng của nhà đầu tư rồi lặn không sủi tăm. Sự việc khiến nhiều người chú ý và tò mò về CEO trẻ này.
Tìm hiểu về Đinh Công Đạt qua báo chí và mạng xã hội, dư luận không khỏi bất ngờ khi người này thường xuyên khoe cuộc sống sang chảnh, giàu có và cả những câu nói đạo lý như rót mật vào tai về câu chuyện khởi nghiệp, kinh doanh của mình.
Đinh Công Đạt.
Cuộc sống sang chảnh, mới tậu nhà phố 17 tỷ đồng
Trang cá nhân của Đinh Công Đạt thường xuyên đăng tải những bức ảnh miêu tả cuộc sống sang chảnh mà nhiều người mơ ước. Anh từng khoe lợi nhuận ròng của một cửa hàng S.Tix Coffee vào tháng 8/2020 là 150 triệu đồng và tháng 9/2020 là 180 triệu đồng. Ngoài kinh doanh Cafe, Đinh Công Đạt còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Anh từng chia sẻ về ý tưởng xây dựng Làng Bình Yên ở Lâm Đồng.
Mỗi khi ra đường, Đinh Công Đạt luôn xuất hiện với ngoại hình chỉn chu, diện hàng hiệu, check-in bên nhiều xe hơi đắt tiền. Người sáng lập S.Tix Coffee chăm chỉ đi thăm các công trình, dự án đang hoàn thiện, đến mỗi nơi đều chụp lại những bức ảnh “so deep”.
Những bức ảnh được Đinh Công Đạt đăng tải trên mạng xã hội.
Cũng theo những bức ảnh mà Đinh Công Đạt đăng trên trang cá nhân thì CEO sinh năm 1994 này hiện sống trong một căn hộ rộng rãi, nội thất tinh tế, đẳng cấp. Anh chàng có một phòng để đồ rộng rãi, xịn sò chẳng kém một cửa hàng thời trang.
Đặc biệt vào tháng 8 vừa qua, trên kênh Youtube của mình, Đinh Công Đạt khoe đã “chốt đơn” một căn nhà phố tại Bình Dương có giá trị lên tới 17 tỷ đồng để tặng mẹ. Ngôi nhà cực rộng rãi với khoảng sân vườn thoáng đãng, nhiều cây xanh, có cả hồ cá, khu vực tổ chức tiệc BBQ ngoài trời. Bên trong ngôi nhà toát lên mùi sang trọng với khu vực phòng khách, phòng ngủ, bếp, phòng pha chế…
Phòng thay đồ rộng rãi như cửa hàng thời trang.
Check-in bên nhiều xe hơi đắt tiền.
Điều đáng nói là Đinh Công Đạt đã quyết định xuống tiền mua căn nhà này ngay lần đầu tiên đến thăm. Sự quyết đoán của chàng trai gốc Bình Định khiến nhiều người từng trầm trồ về độ giàu có của anh.
Chàng trai trẻ chốt đơn căn nhà phố 17 tỷ đồng nhẹ như không.
Những câu nói đạo lý “đi vào lòng người”
Trên mạng xã hội khá kiệm lời nhưng mỗi khi có dịp chia sẻ với truyền thông Đinh Công Đạt thường xuyên có những câu nói đạo lý về câu chuyện khởi nghiệp, kinh doanh của mình để truyền cảm hứng cho giới trẻ.
|Trên Website của S.Tix Coffee giới thiệu về Đinh Công Đạt là một người: “Biết cách nắm bắt cơ hội, dũng cảm theo đuổi đam mê, đương đầu với những khó khăn và thử thách“.
“Đem đến cho khách hàng sự hài lòng về sản phẩm và dịch vụ tiêu chuẩn cao bằng chính sự ĐAM MÊ, sự TRÂN TRỌNG và TRÁCH NHIỆM của mình đối với cộng đồng“.
CEO trẻ thường xuyên nói những câu rất hay ho về chuyện khởi nghiệp, startup.
Đinh Công Đạt từng cho biết, anh kinh doanh luôn gắn liền với giá trị ý nghĩa nhân văn cho cộng đồng.
Một số câu nói Đinh Công Đạt từng chia sẻ:
– “Chỉ cần là đam mê của mình thì đừng bao giờ từ bỏ, hãy cứ theo đuổi, phải kiên trì và phải thực sự nghiêm túc với đam mê của mình thì bạn sẽ thành công“.
– “Không có áp lực, không có kim cương“.
– “Rất sợ nuối tiếc. Đến lúc đó, mình không thể làm được, mình sẽ nói 2 từ “Giá như”, “Giá như lúc đó mình làm”. Lúc trước hay bây giờ, hay cả sau này, tôi luôn nghĩ khởi nghiệp luôn luôn sẽ phải cố gắng.
Mỗi ngày đều phải nhắc nhở bản thân mình: “À, thực ra cuộc sống này ngắn ngủi lắm, không biết được ngày mai mình còn được làm công việc này nữa hay không? Còn có thể sử dụng công việc của mình tạo ra những giá trị tốt đẹp hay không?” Vì vậy, chỉ cần ngày hôm nay còn đứng dậy thì hãy cố gắng làm thật tốt việc của mình”.
– “Thuyền to thì sóng càng to. Những thất bại trong lần kinh doanh trước cho mình thêm bài học kinh nghiệm quý báu, tầm nhìn rộng hơn“.
– “S.Tix luôn giữ tốt hai yếu tố, một là tinh thần làm việc hết mình, chất lượng sản phẩm hàng đầu. Hai là kinh doanh luôn gắn liền với giá trị ý nghĩa nhân văn cho cộng đồng“.