Cô gái Hà Nội “cầu c.ứu” bác sĩ vì ngày nào cũng nghĩ đến việc sang thế giới bên kia sau khi mắc COVID-19
Sau khi mắc COVID-19, nữ bệnh nhân xuất hiện những biểu hiện như thường xuyên mất ngủ, thậm chí liên tục nghĩ đến việc sang thế giới bên kia và phải nhờ bác sĩ can thiệp.
Cô gái trẻ ngày nào cũng nghĩ đến việc sang thế giới bên kia sau khi mắc COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 bùng phát khiến nhiều người bị ảnh hưởng cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Thậm chí có một số trường hợp sau khi mắc COVID-19 bị ảnh hưởng đến tinh thần nhưng không hề hay biết, đến lúc tìm tới bác sĩ thì đã ở tình trạng nặng.
Ngoài ra, cũng có những trường hợp, dù biết có biểu hiện bất thường nhưng lại ngại dịch bệnh không đi khám ngay, hoặc khám không đúng chuyên khoa cũng khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu – Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, COVID-19 nói chung, hậu COVID-19 nói riêng ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần là vấn đề đã được nói đến và cảnh báo rất nhiều.
Tuy nhiên, nhiều người lại không hề hay biết hoặc có triệu chứng như: mất ngủ, bồn chồn, lo lắng… thậm chí có ý định tìm đến cái chết nhưng vẫn cố chịu đựng, tự tìm lối thoát chứ không chịu đi khám. “Đây là vấn đề rất nguy hiểm, ảnh hưởng không chỉ sức khỏe mà còn cả tính mạng của người bệnh”, bác sĩ Hồng Thu cho hay.
Điển hình như trường hợp của nữ bệnh nhân Minh Hằng (20 tuổi, ở Hà Nội) bị rối loạn lo âu khá nghiêm trọng, thậm chí từng có ý định tự tử, phải nhờ bác sĩ Hồng Thu can thiệp. Được biết, trước khi bị COVID-19 cô gái trẻ hoàn toàn bình thường trong cả sinh hoạt và học tập.
Cụ thể, sau khi mắc COVID-19 đã khỏi, Hằng luôn cảm thấy chán nản, bi quan, mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, không có động lực, dễ nổi nóng, hay nói lời khó nghe với người khác dù bản thân không cố ý.
Hằng tâm sự rằng, bản thân luôn cảm thấy khó khăn khi bộc lộ cảm xúc, cảm thấy căng thẳng và thờ ơ với tất cả mọi thứ. “Hầu như ngày nào cháu cũng nghĩ đến cái chết, cháu đã lên ý tưởng rồi nhưng nghĩ đến có một vài việc khiến cháu dừng lại. Cháu không muốn tiếp xúc với người khác, cháu không muốn chơi với ai. Việc đi học hay đến nơi đông người khiến cháu cảm thấy sợ hãi… Cháu thường xuyên ám ảnh về một số chuyện trong quá khứ”, Hằng tâm sự.
Về mặt thể chất, cô gái trẻ luôn cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên đau đầu, giấc ngủ không sâu, thậm chí có lúc mất ngủ đến sáng. Ngoài ra, nữ bệnh nhân còn chán ăn, không còn hứng thú với những sở thích trước kia của mình và mất phương hướng tương lai.
Sau khi thăm khám và cho bệnh nhân trả lời các câu hỏi về trầm cảm thì có đến 10/10 triệu chứng. Theo bác sĩ, ca bệnh này rất may mắn là được can thiệp kịp thời, nếu không được điều trị (bằng thuốc) thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng rất cao, vì trước đó ngày nào bệnh nhân cũng nghĩ đến cái chết.
Dịch COVID-19 khiến tình trạng trầm trọng hơn
Theo bác sĩ Hồng Thu, hiện nay dù nhận thức của người dân về vấn đề sức khỏe tâm thần đã được nâng cao, nhưng còn không ít người vẫn có tâm lý kỳ thị, “sợ” không dám đi khám chuyên khoa tâm thần. Đặc biệt, những người mắc COVID-19 với những tâm lý căng thẳng kéo dài, sợ dịch bệnh, cùng với sự tấn công của virus gây tổn thương hệ thần kinh, từ đó dẫn tới những stress, lo âu, trầm cảm…
Đáng nói hơn, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, rất nhiều người có vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần nhưng không hề hay biết, đi khám nhiều nơi, chụp chiếu và xét nghiệm nhiều thứ, uống nhiều loại thuốc nhưng không khỏi bệnh. Đến khi phát hiện ra vấn đề mình gặp phải thì đã quá muộn, thậm chí là gây ra hậu quả.
“Dù trong bối cảnh dịch bệnh hay không, người dân khi xuất hiện các triệu chứng như mất ngủ, lo âu, bồn chồn, mất phương hướng, kèm theo đó là một số vấn đề như đau mỏi cơ, ợ hơi, trào ngược, nhói tim… cần nghĩ ngay đến bệnh lý tâm thần và đi khám sớm”, bác sĩ Hồng Thu khuyến cáo.
Về điều trị, với những trường hợp cấp tính thì có thể điều trị bằng liệu pháp tâm lý, kết hợp cả vật lý trị liệu. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trên xuất hiện nhiều hơn 2 tuần thì cần phải khám bác sĩ chuyên khoa, từ đó bác sĩ sẽ có chỉ định về việc có nên dùng thuốc hay không.