Cuộc đời bi kịch của "thần đồng diễn xuất" lồng tiếng Peter Pan: 17 tuổi nghiện ma túy, 24 tuổi đi tù, cái chết năm 31 tuổi nghe mà ám ảnh
Bộ phim hoạt hình Peter Pan của Disney ra mắt năm 1953 là một trong số những tác phẩm thành công, được nhiều khán giả biết đến và yêu thích nhất của hãng. Thành công ấy một phần là nhờ công sức của dàn diễn viên lồng tiếng tài năng – nổi trội nhất chính là ngôi sao nhí Bobby Driscoll. Thế nhưng ít ai biết rằng sau thành công của Peter Pan, cuộc đời của Bobby Driscoll là hàng loạt những sai lầm, dẫn đến cái chết bi kịch, thương tâm của anh khi vẫn còn đang tuổi trẻ.
Hào quang Hollywood đẩy “thần đồng diễn xuất” vào cuộc sống tệ nạn và bế tắc
Trước khi trở thành giọng nói cho Peter Pan, Bobby Driscoll vốn được coi là một “thần đồng diễn xuất” thời ấy khi tham gia hàng loạt dự án tên tuổi của hãng Walt Disney, bao gồm Song of the South (1946), So Dear to My Heart (1949), The Window (1949), và Treasure Island (1950). Năm 1949, Bobby Driscoll nhận được giải Oscar Nhí (Academy Juvenile Award) nhờ vai diễn xuất sắc ở So Dear to My Heart và The Window.
Bobby nhận giải “Oscar Nhí”
Bobby là một trong số những ngôi sao nhí nổi trội của Walt Disney
Sau khi rời Disney, cuộc đời và sự nghiệp của Bobby Driscoll dưới ánh hào quang chói lọi của Hollywood cũng xuống dốc không phanh. Nam diễn viên trẻ khi ấy chỉ nhận được một vài vai diễn nhỏ trong phim truyền hình. Gia đình của Bobby chuyển cậu đến một trường công ở Los Angeles. Tại đây, điểm số của cậu ngày càng trở nên bết bát, bị bạn bè bắt nạt vì sự nghiệp đóng phim trước đây. Cuối cùng, Bobby bắt đầu sử dụng chất kích thích.
“Tôi mới 17 tuổi khi tôi lần đầu chơi thuốc. Nhanh chóng sau đó, thứ gì tôi cũng chơi… chủ yếu là ma túy, vì tôi có tiền” – nam diễn viên từng chia sẻ như vậy. Năm 1956, Bobby bị cảnh sát bắt giữ lần đầu vì tàng trữ cần sa, nhưng sau này tội danh ấy được bãi bỏ.
Cuối năm 1961, Bobby bị tuyên án tù vì nghiện ma túy. Sau khi được trả tự do vào năm 1962, anh không thể tìm kiếm được việc làm. Bobby chuyển tới sống ở New York, hy vọng sẽ hồi sinh được sự nghiệp nhờ sân khấu kịch Broadway. Tuy nhiên, tất cả cũng công cốc. Ngôi sao nhí được khán giả khắp nước Mỹ ngưỡng mộ ngày nào giờ túng thiếu, nghiện ngập và không thể tìm kiếm được một công việc ổn định.
Thời tuổi teen, anh chàng cũng sở hữu visual khiến nhiều người mê đắm
Cái chết bi thảm của “Peter Pan đời thực” – khi “đứa trẻ không muốn lớn” vùng vẫy trong tuổi trưởng thành
Năm nào còn kiếm được 50 nghìn USD/năm, Bobby lại qua đời mà không xu dính túi. Ngày 30/3/1968, hai cậu nhóc đang chơi tại một chung cư bỏ hoang đã phát hiện thi thể của Bobby nằm đó, với hai chai bia rỗng bên cạnh. Khám nghiệm tử thi cho thấy anh đã chết vì đau tim – xuất phát từ chứng xơ vữa động mạch do chơi ma túy quá nhiều. Khi ấy, không có thông tin gì về danh tính của nạn nhân, và cũng không ai đến nhận người thân sau khi cảnh sát cung cấp ảnh ở khu vực. Thi thể vô danh của Bobby Driscoll được chôn với bia mộ không tên tại New York.
Cuối năm 1969, mẹ của Bobby mới dùng mọi quan hệ và nỗ lực để tìm kiếm tung tích của con trai – vì bố của anh đang hấp hối. Nhờ dấu vân tay trùng khớp, sở cảnh sát thành phố New York mới phát hiện ra Bobby Driscoll chính là người đàn ông vô danh đã chết năm 1968.
Hình ảnh của Bobby ở tuổi trưởng thành
Đây thật là một cái kết buồn và bi kịch cho Bobby Driscoll – mà ngay cả chính những khán giả yêu thích bộ phim Peter Pan cũng không thể ngờ đến. Peter Pan đã trở thành một nhân vật huyền thoại, và giọng nói của Bobby Driscoll sẽ còn sống mãi với rất nhiều thế hệ khán giả. Thật đáng tiếc cho một tài năng quá xuất sắc của Hollywood lại bị hủy hoại và chôn vùi bởi tệ nạn và sự tiêu cực của hào quang showbiz.
Nguồn ảnh: Disney, Tổng hợp