Gần 4.600 xe hàng và 9.000 người “mắc kẹt” tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Đại sứ quán Trung Quốc nói gì?
Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để xuất sang Trung Quốc đã diễn ra liên tục trong vài năm gần đây. Đặc biệt, vào dịp cuối năm phía Trung Quốc thường hay kiểm soát chặt nên dẫn tới thông quan chậm, ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Tuy nhiên, chưa năm nào tình trạng ùn ứ, ách tắc này lại diễn ra trong một thời gian dài với tác động nặng nề như những ngày vừa qua.
Thông tin tại cuộc họp chiều 20/12, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, theo số liệu thống kê tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hiện đang tồn gần 4.600 xe container vận chuyển hàng nông sản chờ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đáng quan ngại là hiện chỉ có cửa khẩu Hữu Nghị đang được thông quan. Cửa khẩu Tân Thanh đã tạm dừng thông quan từ 18/12. Trong khi đó, cửa khẩu Chi Ma cũng đã tạm dừng thông quan hàng hóa từ 8/12. Và số lượng thông quan mỗi ngày tại cửa khẩu Hữu Nghị chỉ khoảng 100 xe, trong khi đó số lượng hàng hóa lớn vẫn đang tiếp tục “dồn” lên các cửa khẩu mỗi ngày.
Cần chuẩn bị ngay từ đầu năm, định hướng và khuyến cáo từ sớm
Chiều 20/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn cùng với Tham tán Thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi xung quanh tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu chính ở Lạng Sơn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma… kéo dài khoảng nửa tháng qua.
Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết việc ùn tắc nông sản là do Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khiến thời gian thông quan tăng lên nhiều so với trước đây. Một nguyên nhân nữa là nhiều cửa khẩu của một số tỉnh như Lào Cai tạm đóng, khiến hàng hóa đổ dồn về Lạng Sơn.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, tính đến ngày 20/12, có 4.598 xe container vận chuyển hàng đang tập kết tại các cửa khẩu trên địa bàn của tỉnh để chờ thông quan sang Trung Quốc.
Đáng chú ý, hiện chỉ còn duy nhất cửa khẩu Hữu Nghị còn thông quan, số lượng thông quan ở mức khoảng 100 xe mỗi ngày, bằng khoảng một phần năm so với công suất trước đây.
“Việc ách tắc hơn 4.000 xe tương đương với khoảng gần 9.000 người đang lưu trú trên địa bàn tỉnh tạo áp lực rất lớn về việc bố trí sinh hoạt cho lái xe và người đi cùng, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và đặc biệt là công tác phòng, chống dịch… Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ lái xe nội địa vào địa bàn tỉnh Lạng Sơn rất cao và thực tế đã xảy ra ở nhiều khu vực”, ông Thiệu bày tỏ sự quan ngại.
Toàn cảnh buổi trao đổi nhằm phối hợp tháo gỡ ùn ứ hàng nông sản tại Lạng Sơn từ đầu cầu Bộ NN&PTNT. Ảnh VGP
Tại cuộc làm việc, ông Thiệu đã đề xuất Bộ NN&PTNT nên tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên phạm vi cả nước ngay từ đầu năm để có những phương án, giải pháp chủ động hơn cũng như những định hướng, khuyến cáo kịp thời cho bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ NN&PTNT cũng cần sớm ký kết Nghị định thư với phía Trung Quốc về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu.
Ông Thiệu đặc biệt nhấn mạnh việc cần thiết trước mắt là Bộ NN&PTNT sớm trao đổi với cơ quan chức năng của Trung Quốc thống nhất phương pháp khử khuẩn, xét nghiệm và kiểm dịch thực vật, hướng dẫn việc xét nghiệm, khử khuẩn đối với hoa quả, nông sản Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc để nhanh chóng thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, qua thông tin của các cơ quan ngoại giao, Bộ nhận được thông tin một số doanh nghiệp đã có sản phẩm nông sản và người nhiễm COVID-19 nên đây là thực trạng khiến các cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường kiểm soát ở biên giới.
“Một trong những nguyên nhân chính chúng tôi xác định là một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản không thực hiện đúng quy định cả phía Việt Nam và Trung Quốc về xuất nhập khẩu, đặc biệt là không thực hiện đúng 5K trong phòng chống dịch. Chính vì vậy, đã có nhiễm virus SARS-CoV-2 vào bao bì hàng hóa và cả người,” ông Trần Thanh Nam nói.
Trước tình hình ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đề nghị các tỉnh có hàng xuất khẩu sang biên giới chỉ đạo các ngành chức năng thông báo tới doanh nghiệp và phối hợp với các cơ quan chức năng của các tỉnh biên giới để điều tiết hàng hóa lên biên giới ở mức độ vừa phải, tránh gây khó khăn trong quản lý của các tỉnh biên giới vì ảnh hưởng không chỉ thiệt hại về kinh tế mà cả xã hội.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu (trái) và Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam Hồ Cẩm Tỏa. Ảnh TTXVN
Đại sứ quán Trung Quốc nói gì về tình trạng này?
Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, ông Hồ Tỏa Cẩm – Tham tán thương mại cho biết, hiện còn khoảng 2.500 xe container của Việt Nam mặc dù đã đi qua được cửa khẩu, nhưng vẫn đang ùn ứ tại thành phố Bằng Tường, thành phố Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây.
Do đó, hiện Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đang rất lưu ý đến việc nhập khẩu nông sản từ Việt Nam, yêu cầu các cơ quan có liên quan, các địa phương tại Trung Quốc khẩn trương tìm giải pháp tháo gỡ.
Thông tin thêm, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết lãnh đạo hai nước đều rất quan tâm đến vấn đề này. “Sứ quán chúng tôi rất lo lắng, tìm giải pháp tháo gỡ. Tôi nhớ trước khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Trung Quốc, đồng chí Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của đơn vị này cũng đã gọi điện cho tôi, nói rằng vấn đề này đang được quan tâm”, ông Hồ Tỏa Cẩm nói.
Cũng theo ông Cẩm, những ngày qua, Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng gọi điện cho đại sứ quán, đề nghị phối hợp tìm giải pháp thông quan hàng hóa.
Đề cập về chính sách “Zero COVID” hiện Trung Quốc đang áp dụng, ông Hồ Tỏa Cẩm khẳng định phòng chống dịch với bất cứ ngành nghề nào ở Trung Quốc cũng đang là số một, là trên hết. “Trung Quốc có 1,4 tỷ dân, nếu áp dụng chính sách “sống chung” với COVID-19 thì nguy cơ “vỡ trận” là rất lớn, rất khó kiểm soát”, vị Tham tán thương mại nói.
Về việc đàm phán Nghị định thư, ông Hồ Tỏa Cẩm cho biết, cũng do dịch COVID-19 khiến hai bên khó gặp gỡ trao đổi và tiến tới ký kết Nghị định thư để xuất khẩu nhiều loại hoa quả chính ngạch hơn. Vì vậy, ông Cẩm đề nghị Bộ NN&PTNT Việt Nam nghiên cứu làm việc trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thúc đẩy nội dung này.
Liên quan đến sự việc này, ngày 18/12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về tình trạng ùn tắc nông sản ở các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn.
Tại văn bản, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán, kiến nghị với các bộ, ngành và chính quyền địa phương phía Trung Quốc để có các giải pháp tăng thời gian thông quan tại các cửa khẩu. Phó thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT có biện pháp sản xuất gắn với nhu cầu thị trường; hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất nông sản về các tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu; chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp; rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho vụ sản xuất tiếp theo. Với các địa phương sản xuất nông sản, chính quyền chủ động nắm bắt thông tin, tuyên truyền với các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực hiện theo khuyến cáo của các bộ, ngành về các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc. |