Hà Nội cần làm gì khi xuất hiện chủng Omicron?
Ngày 28/12, Bộ Y tế thông tin về trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron tại Việt Nam là người nhập cảnh, bệnh nhân từ Anh quốc về Việt Nam qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ngày 19/12.
Trước đó, trong kế hoạch đối phó với biến chủng Omicron được UBND TP Hà Nội ban hành tối 27/12, thành phố đã đề cập đến lo ngại biến chủng mới sẽ thay thế Delta trở thành loại virus chiếm ưu thế chủ yếu, tiếp tục khiến dịch bệnh tại thủ đô phức tạp thời gian tới.
Cần làm gì khi xuất hiện biến chủng Omicron
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thừa nhận lo ngại của lãnh đạo Hà Nội hoàn toàn có cơ sở khi chỉ trong vòng 8 ngày, Hà Nội ghi nhận 45 ca tử vong do Covid-19, bằng gần một nửa so với 7 tháng trước.
Về sự xuất hiện biến chủng Omicron, ông Nga cho rằng không quá đáng lo ngại nên người dân không nên hoang mang, lo lắng.
“Địa bàn thủ đô có nhiều yếu tố để số ca mắc tăng nhanh. Nhìn vào số liệu ca mắc mỗi ngày, tôi cho rằng Hà Nội vẫn đang ở phạm vi an toàn. Tuy nhiên, trước những chuyển biến gần đây cho thấy thành phố đang đối mặt với các nguy cơ thực sự lớn. Số ca tử vong đang tăng nhanh khi số bệnh nhân nặng và nhập viện lên cả trăm người mỗi ngày.
Để tránh nguy cơ “vỡ trận” như từng xảy ra ở TP.HCM, Hà Nội phải duy trì tỷ lệ tử vong dưới ngưỡng 1-1,5%. Thủ đô cần xác định rõ mục tiêu chống dịch hiện tại. Thành phố chỉ có thể ưu tiên một đến hai nhiệm vụ, không thể dồn toàn bộ lực để đạt “Zero Covid-19” như trước.
Các biện pháp Hà Nội cần làm ngay vẫn chủ yếu duy trì thực hiện tốt 5K, tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người chưa tiêm hoặc chưa đủ mũi và tiêm phủ mũi 3 cho đối tượng nguy cơ cao. Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ điều trị. Tăng cường giáo dục truyền thông, giám sát ca bệnh“, ông Nga nêu.
Các chuyên gia y tế cho rằng, cần phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người chưa tiêm hoặc chưa đủ mũi và tiêm phủ mũi 3 cho đối tượng nguy cơ cao.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, có thể nhận thấy ngăn chặn lây nhiễm không khả thi lúc này, dấu hiệu nhận biết người mang virus đã không còn như trước. Hầu hết F0 đã tiêm vaccine đều khoẻ mạnh như người không nhiễm bệnh.
“Hà Nội cần căn cứ vào số liệu ca thở máy, tử vong thay vì số liệu ca nhiễm hàng ngày để xác định các nhiệm vụ phòng chống dịch. Số liệu ca nhiễm hàng ngày không còn là căn cứ quan trọng để xác định các nhiệm vụ chống dịch trong giai đoạn này”, ông Nga nói thêm.
28 mẫu dương tính nghi liên quan Omicron đang trong quá trình giải trình tự gen
Báo cáo tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 29/12, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong đợt dịch thứ 4 kể từ ngày 27/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 42.888 ca mắc, trong đó có 15.070 ca ngoài cộng đồng. Hiện nay, thành phố có 76 điểm phong tỏa với 3.100 người.
Việc siêu biến thể Omicron xuất hiện ở Việt Nam dấy lên lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới trong bối cảnh tình hình dịch ở nhiều địa phương, đặc biệt là Hà Nội đang rất nóng. Ông Cương thông tin, Hà Nội đã lấy 28 mẫu xét nghiệm các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 và có yếu tố dịch tễ nghi ngờ liên quan Omicron, chuyển Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen và chờ kết quả.
Ông Cương khẳng định, công tác phòng, chống và kiểm soát Covid-19 vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống y tế các tuyến đang chịu nhiều áp lực về quản lý, thu dung, điều trị, trong thời gian tiếp theo khi số mắc tiếp tục gia tăng là gánh nặng lên hệ thống…
Người dân cần nghiêm túc duy trì thực hiện 5K như Bộ y tế đã khuyến cáo để góp phần chung tay cùng TP chống dịch.
Để tăng cường giám sát và phòng chống biến thể Omicron, Sở Y tế Hà Nội cũng đã chỉ đạo các đơn vị chủ động giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến thể mới như: các quốc gia khu vực Nam Châu Phi và một số quốc gia khu vực châu Âu, thực hiện việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định.
Ngành y tế Hà Nội cũng tăng cường hệ thống giám sát (bao gồm giám sát thường quy, giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS)…), đặc biệt chú ý thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành thu thập, xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron; kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để, không để lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng.
https://afamily.vn/ha-noi-can-lam-gi-khi-xuat-hien-chung-omicron-20211230092549037.chn Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 1/2022: Tăng tuổi nghỉ hưu, lương hưu, trợ cấp BHXH; giá xăng điều chỉnh 10 ngày 1 lần