Hai đứa trẻ sống bìa rừng, ăn hoa chuối đã được ủng hộ 131 triệu, được xây nhà mới
Chưa có trợ cấp lâu dài cho tương lai
Câu chuyện hai em bé sống ở bìa rừng, ăn hoa chuối thay cơm ở Hà Tĩnh đã khiến nhiều người xót xa. Đang tuổi ăn tuổi lớn, cô bé Đoàn Thị Yến đã phải tự lập sớm, chăm sóc gia đình thay cho người mẹ bỏ đi.
Ông Hoàng Văn Trung – Phó Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) mới đây đã cung cấp thêm thông tin liên quan đến trường hợp này.
Căn nhà gỗ ở bìa rừng của gia đình anh Đoàn Khắc Dũng.
“Gia đình này thuộc hộ nghèo của địa phương. Họ chưa được nhận trợ cấp. Lý do là để được hưởng trợ cấp người khuyết tật, phải có hồ sơ xác định mức độ khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền.
Việc giám định mức độ khuyết tật chỉ được thực hiện khi người nhà chủ động xin đề xuất chứ địa phương không có nguồn ngân sách để thực hiện cho từng cá nhân có yêu cầu được. Hằng năm, địa phương có 2 lần xét hồ sơ và những ai chưa đảm bảo thì phải cho đi giám định để lấy căn cứ trợ cấp.” – ông Trung thông tin.
Cán bộ địa phương này cũng nói thêm, bé Yến (10 tuổi) có biểu hiện bình thường, còn bé Thủy Tiên (4 tuổi) có dấu hiệu bị bệnh thiểu năng trí tuệ khá nặng. Tuy nhiên, cháu còn hơi nhỏ nên khó xác định, cần phải đợi ít năm nữa (và gia đình chủ động) thì mới có thể đưa đi giám định được.
Căn nhà được xây từ tiền của các nhà hảo tâm gửi tặng cho các bé.
Vì thế, dù rất thương và trăn trở, địa phương cũng khó có thể có chính sách trợ cấp hàng tháng cho hai đứa trẻ.
Địa phương cũng tích cực vận động, hy vọng hoàn cảnh của các cháu được nhà hảo tâm chú ý, chung tay lo lắng cho tương lai. Hồi đầu tháng 11, hai cháu đã được nhận 131 triệu. Địa phương thay mặt nhà hảo tâm đã xây nhà, làm sổ tiết kiệm, trích quỹ lo ăn uống hàng tháng.
“Nhà gạch xây lên cũng giúp các cháu có chỗ che nắng che mưa, mùa đông này không sợ bị lạnh hay sợ gỗ bất ngờ sập xuống nữa. Địa phương cũng rất chắt chiu từng đồng tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ. Hiện nhà đã hoàn thiện khung nhưng chưa có tiền lắp cửa. Chúng tôi cũng đang vận động thêm” – ông Trung thông tin.
Khó đưa hai cháu vào Trung tâm bảo trợ xã hội
Trước ý kiến thắc mắc tại sao không cho hai đứa trẻ vào Trung tâm bảo trợ xã hội để nuôi nấng, đảm bảo cho tương lai, đại diện địa phương cũng cho biết, họ cũng nghĩ đến phương án đó, nhưng rất khó thực hiện. “Lý do là vào trung tâm sống thì ổn định, nhưng bản thân hai đứa trẻ sẽ bị tách khỏi người thân, ở xa nhà rất tội nghiệp.”.
Việc tách trẻ em khỏi môi trường sống quen thuộc và người thân cũng có thể tạo ra một số tác động tiêu cực về tâm lý. Hơn nữa, hai cháu không phải là trẻ mồ côi. Anh Đoàn Khắc Dũng (bố của hai cháu) chưa đi giám định nên vẫn có quyền giám hộ hợp pháp. Mẹ hai cháu bỏ đi nhưng chưa rõ tung tích. Gia đình nội ngoại vẫn còn, dù hoàn cảnh đều khó khăn, nghèo đến cùng cực.
Do đó, địa phương chọn cách cố gắng thu xếp, vận động sự chung tay từ cộng đồng để hai cháu có tương lai tốt hơn.
Hai chị em bên ngôi nhà vừa được xây, nhưng chưa có cửa.
Điều trăn trở nhất của các cán bộ địa phương trong trường hợp này là tìm cách lo cho tương lai của hai em bé được ổn định. Về kiểm tra sức khỏe, hiện tại sức khỏe hai cháu vẫn bình thường.
Bé Vân vẫn đang đi học và có thể theo đuổi việc học tập lâu dài, ít nhất là đến hết cấp 3. Tuy nhiên, đó vẫn là một chặng đường dài, nhất là khi bố của em có sức khỏe tâm thần không ổn định.
Cán bộ địa phương mong rằng, các nhà hảo tâm sẽ phối hợp với địa phương cùng tìm ra phương án về lâu dài, chứ không chỉ cho tiền các cháu. Hiện tại, địa phương đã lập sổ tiết kiệm để dành cho tương lai cũng như trích một phần tiền để mua thức ăn trao trực tiếp cho gia đình, tránh trường hợp tiêu hết tiền, không kiểm soát được.
Họ cũng hy vọng, bố của các cháu sẽ được hỗ trợ đi giám định tâm thần, xác định mức độ sức khỏe để tìm phương án chữa trị hoặc được đào tạo, trao cơ hội việc làm phù hợp để tự lo cho tương lai của các con.