Hành trình ma đưa lối, quỷ dẫn đường vào Rừng Thế Mạng vốn được cảnh báo từ đầu?

Sau Bắc Kim Thang, đạo diễn Trần Hữu Tấn làm phim thứ hai là Rừng Thế Mạng – phim thuộc thể loại sinh tồn kèm kinh dị tâm lý giật gân quay tại núi rừng Tà Năng – Phan Dũng – cung đường phượt đẹp thuộc nhóm nguy hiểm nhất Việt Nam.

Đây là một bước đi khá mạo hiểm cho ekip, bởi sinh tồn là một thể loại khó, lại còn quay ở nơi gập ghềnh hiểm nguy. Chưa kể đến, lời nguyền “mỗi năm thế một mạng” tại khu rừng này là điều mà ai cũng từng nghe đến. Vì thế, dù tạo được hiệu ứng thu hút từ những phút đầu nhưng Rừng Thế Mạng cũng đặt cho khán giả nghi vấn phim có đủ tốt hay không?

Khu rừng bí ẩn tâm linh

Rừng Thế Mạng mở đầu với chuyến hành trình của nhóm bạn thân gồm Kiên (Huỳnh Thanh Trực), Bách (Trần Phong), Khanh (Thùy Anh), Ngọc (Thùy Dương) và Phước (Nguyễn Phước Lộc), Hoàng (Lê Quang Vinh) đi phượt Tà Năng Phan Dũng. Cái hay của Trần Hữu Tấn chính là vẽ nên một khung cảnh núi rừng vô cùng hoang sơ, hùng vĩ, sáng sủa và tươi đẹp, cùng sự mở đầu cuộc hành trình đầy vui vẻ của nhóm bạn và không hề hay biết những điều tối tăm chờ đợi họ phía trước rồi dần gieo vào đầu mỗi người hạt giống đố kỵ, ghen tức lẫn bốc đồng, đủ sức thiêu cháy sự đoàn kết.

Nếu ví thần rừng là một con thú săn mồi, thì những nhóm đi phượt thiếu kỹ năng chính là những miếng mồi ngon béo bở, sẵn sàng bị xơi tái bất kỳ lúc nào. Những cánh rừng thông dốc đứng, những con đường mòn không lối ra, những dãy núi trùng điệp và sâu trong đó là những con thác cao ngất, chính là những phép thử bản lĩnh của những vị khách lang thang vào rừng. Bộ phim đã cố gắng tái hiện rất nhiều địa điểm “có người đi qua nhưng không thấy trở lại” ngoài đời thực như ngọn thác địa ngục nổi tiếng thẳng đứng đang cuồn cuộn, hay những con dốc chỉ cần trượt ngã là gãy chân. Nổi tiếng nhất, chính là “ngã ba đi lạc”, nơi mà phượt thủ nào khi đi ngang cũng truyền tai nhau “đừng đi vào lối đó!”.

Bóng ma ám ảnh từ quá khứ liên tục lật mở

Phim có lối kể chuyện thu hút và cài cắm liên tục những dấu hiệu kì lạ khắp chuyện phim. Cách kể chuyện thực tại đan xen với những cảnh phim quá khứ đã khán giả dễ hiểu được hành trình đi phượt của nhóm bạn trẻ, lẫn câu chuyện của mỗi nhân vật trong phim. Ai trong số họ cũng sẽ chẳng còn nguyên vẹn như cũ.

Những sự kiện kỳ lạ liên tiếp ập đến từ giây phút đầu tiên của chuyến hành trình như điềm báo một kết cục xấu sẽ xảy ra nếu họ vẫn chọn tiến sâu vào rừng. Họ cãi nhau vì lead không biết đường, giận dữ vì nghi ngờ có sự gian dối trong tình cảm, tranh cãi vì thể hiện tính hiếu thắng. Chiếc ly bể khi mẹ của Kiên vừa dứt cuộc điện thoại với con trai, khiến bà đứt tay chảy máu. Nhóm trek đang xuống núi cảnh báo: mỗi năm rừng này ăn một mạng. Đáng ra, chuyến đi này không nên xảy ra ngay từ đầu, và càng không nên xảy ra ở một nơi như Tà Năng – Phan Dũng. Việc không nghe lời cảnh báo của “Thần rừng”, bất tuân thủ luật rừng đã dẫn đến việc nhóm của Kiên đi sáu người, nhưng về lại không đủ sáu người.

Nhân vật nam chính ăn ếch sống trong rừng, “tự sướng” gây sốc?

Vai chính tên Kiên do Huỳnh Thanh Trực đảm nhận quả thực là một ẩn số gây bất ngờ cho khán giả. Không ai ngờ rằng một nam diễn viên trẻ lại dám thực hiện những cảnh quay táo bạo cảnh ăn ếch sống, đu thác 60m, cảnh… tự làm hành động 16+ giữa rừng tới mức ám ảnh người xem như thế.

Kiên là một nhân vật có nội tâm khó lường, nhưng qua cách diễn của Trực, ta có thể hiểu được phần nào điều Kiên cảm nhận. Được biết, để có thể đạt được thần thái “Kiên”, Huỳnh Thanh Trực đã thức nhiều đêm, nhịn ăn nhịn uống, đưa bản thân mình vào trạng thái trầm cảm, mệt mỏi khi quay hình, để giữ cho tâm lí Kiên “sống động” và đi lạc thật sự.

Cái hay của vai Kiên không tới từ ngoại hình mà ở bóng ma ám ảnh quẩn quanh khi anh đi lạc. Bóng ma của người mẹ đã mất cũng như những màn thoắt ẩn thoắt hiện của Bách là những vết thương cứ ám ảnh cậu mãi, níu giữ lấy Kiên như cách khu rừng giữ chân không cho cậu thoát ra cho đến khi cậu lần lượt đối diện từng “thứ” một.

Nhiều khán giả chưa xem đã đặt nghi vấn rằng phim kể về vụ việc phượt thủ đã mất năm 2018, nhưng kịch bản phim sau khi xem rõ ràng không hề kể về câu chuyện của Thi An Kiện. Những sự kiện có thật được đề cập trong phim là những tình huống gặp nạn phổ biến, những địa danh và tình tiết mà báo chí đã từng đưa tin. Thêm nữa, yếu tố tâm linh “ma dẫn đường” được đưa vào khiến phim thêm phần bí ẩn, gây tò mò. Cái kết của phim ám ảnh nhiều người và ngầm răn đe người trẻ đừng đánh mất những điều quý giá bằng hành động bồng bột nhất thời.

Thần rừng đã “cảnh báo”, phạm vào thì lao đao

Nếu không lạc rừng, hẳn Kiên vẫn sẽ mãi là một chàng thanh niên bướng bỉnh, bốc đồng và mãi đóng vai nạn nhân đau khổ với một quá khứ bị bạo hành và thương tổn. Hành trình đấu tranh cho sự sống của Kiên cũng chính là liều thuốc chữa lành tâm hồn cậu, tha thứ cho bản thân, thôi bám víu vào nỗi đau trong quá khứ và trân trọng thực tại. Nhờ vào diễn xuất tốt của lớp diễn viên trẻ đầy tiềm năng, thông điệp ẩn dụ được kể hiệu quả. Dù phân đoạn kinh dị không nhiều hiệu quả hay gây giật mình, kết phim cực kì cảm động. Đó là một hành trình chan chứa tình cảm, có vui, có buồn, có sợ, có cảm động và nhiều cảm xúc.

Rừng Thế Mạng đang chiếu tại rạp.