Người đàn ông "cầm 20 nghìn nấu bữa cơm ngon": Không đáng bị chỉ trích
Mới đây, một người đàn ông tham gia chương trình ghép đôi Hẹn ăn trưa đã khiến nhiều người xôn xao về quan điểm chi tiêu trong gia đình.
Anh tên là Cao Văn Tuấn (40 tuổi, quê Hậu Giang) hiện đang làm nhân viên kho hàng tại TP HCM. Anh Tuấn đến với chương trình với hy vọng: “Tìm được một nửa cho mình và tìm cho mẹ nàng dâu”.
Cũng thông qua cuộc trò chuyện với nữ chính là chị Lê Kim Nhẫn, anh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình khi được đặt câu hỏi: “Ai sẽ là người giữ tiền trong gia đình khi về chung một nhà?”
Anh Tuấn đã trả lời rằng: “Đối với anh, người giữ tiền phải là người biết tiêu tiền và phải phát huy được giá trị của đồng tiền một cách tối đa. Đơn giản là gì, là khi cầm 20 nghìn vẫn phải tạo ra một bữa cơm gia đình thực sự ý nghĩa. Còn mà phải cầm 200 nghìn mới có một bữa cơm ngon thì đấy chính là nhược điểm của em và anh phải cân nhắc điều này”.
Chính vì câu nói “dùng 20 nghìn vẫn phải tạo ra bữa cơm gia đình ý nghĩa” mà nam chính phải nhận về rất nhiều lời chỉ trích của dân tình. Hầu hết mọi người đều nói anh là người keo kiệt. Ở thời điểm vật giá leo thang như hiện nay, để có một bữa cơm gia đình với chỉ 20 nghìn đồng thực sự là điều bất khả thi.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ thì có lẽ ý của anh Tuấn không phải là như vậy. Anh muốn thể hiện rằng bất cứ ai là người cầm tài chính cho gia đình cũng phải biết vun vén, sử dụng tiền một cách hợp lý, không thì bao nhiêu cũng không đủ.
Hơn thế nữa, anh Tuấn nói rằng “20.000 đồng cũng có thể nấu được bữa cơm gia đình ý nghĩa” chứ không hề đòi hỏi là cầm 20.000 đồng phải làm một bữa cơm đầy đủ, phong phú có cả thịt cả rau. Chưa kể, anh khá tinh tế khi nhận ra nhược điểm của chị Nhẫn, bởi chị là người sống tình cảm, lại thương người, thấy ai năn nỉ, tỉ tê, than nghèo kể khổ là chị sẵn sàng cho họ tiền, nên sẽ không tránh khỏi chuyện làm việc tốt nhầm chỗ.
Có thể thấy, Anh Tuấn là một người khá lý trí, anh sống và làm việc không dựa quá nhiều vào tình cảm mà làm gì cũng đều cân nhắc, phải cho đúng người thì dù là 1.000 đồng nó cũng sẽ phát huy giá trị và có ý nghĩa.
Thêm vào đó, anh còn chia sẻ rằng: “Cái vấn đề chi tiêu là mình thảo luận với nhau, thống nhất để chi và nó là vấn đề hết sức bình thường. Chi tiêu có định mức, có sự bàn bạc thì ok”. Khi đã nói câu này, chứng tỏ anh là một người rất tôn trọng đối phương, những vấn đề tài chính, chi tiêu thì cả hai cùng ngồi lại với nhau để thảo luận. Đã là vợ chồng, cùng chung sống dưới một mái nhà thì việc chia sẻ, góp ý cho nhau là hết sức quan trọng và cần thiết.
Chị Nhẫn thấu hiểu những chia sẻ cũng như tâm tư của đối phương nên đã bấm nút đồng ý cùng anh Tuấn tìm hiểu nhau.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người đã lên tiếng phân tích và bênh vực nam chính của chương trình Hẹn ăn trưa, không muốn để câu nói của anh bị mọi người hiểu sai.
– Thực ra vì diễn đạt chưa tới nên anh này mới bị mọi người hiểu nhầm. Chứ mình nghĩ, anh chỉ muốn người vợ tương lai của mình thực sự biết giá trị của đồng tiền, biết sử dụng nó vào đúng mục đích.
– Mọi người không nên chỉ trích anh Tuấn quá nhiều. Thử nghĩ mà xem, anh ấy cũng nói là chỉ lấy ví dụ 20 nghìn để lo được bữa cơm gia đình, ý là biết khéo léo, vun vén cho hợp lý thôi.
– Mình hiểu thông điệp mà anh này muốn nói. Anh ấy chỉ muốn người vợ cầm tài chính phải biết nhìn vào kinh tế trong nhà mà gói ghém chi tiêu thì mới là một người giỏi.
Có thể thấy, chỉ là một câu nói cũng có thể dễ dẫn đến tranh cãi và gây ra những lùm xùm không đáng có. Bạn có ý kiến như thế nào về quan điểm của anh Tuấn, hãy để lại bình luận nhé!