Người đàn ông ngoại quốc bán kẹo ở hồ Gươm, mắc K giai đoạn cuối
Người đàn ông Palestine lang thang, bán kẹo dọc vỉa hè hồ Gươm từ 14h đến 23h. Mắc K giai đoạn cuối, điều trị ngoại trú tại BV K Tân Triều.
2h chiều, ông Khalaf Abuawad, 60 tuổi, người Palestine, ngồi góc hồ Gươm, bày bán những thanh kẹo đủ màu sắc, bên cạnh là tấm biển carton nhờ người dân viết hộ “Xin hãy mua giúp tôi chiếc kẹo”. “Gánh hàng” của ông Khalaf duy trì hơn một năm qua, nhưng bất ngờ nổi tiếng sau một đoạn clip TikTok hơn 4 triệu view hôm 24/3.
Không gia đình, mắc K giai đoạn cuối
Ông Khalaf Abuawad sinh ra ở Palestine, trong một gia đình có 5 người con, trên ông còn 1 anh trai và 3 chị gái. Những năm tháng tuổi trẻ, ông không lập gia đình mà rời quê hương, định cư tại Jordan và đăng ký hộ chiếu của đất nước này.
Ông Khalaf từng là kỹ sư điện tử suốt 40 năm tại Kuwait, trước khi từ chức và đến các nước Đông Nam Á như Philippines, Malaysia, Indonesia, Cambodia và dừng chân ở Việt Nam ngày 28/2/2020 với số tiền 500 USD (khoảng 12 triệu đồng).
Ông liên hệ với Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam, được hỗ trợ chỗ ở và mỗi tháng 5 triệu đồng trong vòng 2 tháng. Đại sứ quán Qatar (do Palestine, Jordan và Qatar đều thuộc Arab World – gồm 22 quốc gia nói tiếng Ả Rập thuộc Liên đoàn Ả Rập) cũng hỗ trợ ông Khalaf một lần 5 triệu đồng.
“Tôi mong muốn tìm được nơi định cư yên ổn và Việt Nam là sự lựa chọn tốt nhất. Tôi cảm nhận được sự ấm áp của đất nước và con người Việt Nam, mong muốn ở lại”, ông Khalaf nói.
Đầu năm 2020, người đàn ông ngoại quốc từng xin việc tại một quán ăn, nhưng do sức khỏe yếu, đành nghỉ làm và đi bán hàng rong. Trong khoảng thời gian giãn cách xã hội khắc nghiệt khi Việt Nam xuất hiện làn sóng Covid-19 đầu tiên, ông dừng bán hàng, nhặt nhạnh ve chai, làm thêm 6 tháng tại một cửa hàng hải sản trên phố Cầu Gỗ (quận Hoàn Kiếm).
Năm 2021, ông Khalaf Abuawad phát hiện mắc K đ.ường m.ật giai đoạn cuối, điều trị ngoại trú tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì), trung bình mỗi tháng hết 10 triệu đồng. Nhiều người từng khuyên ông nên về lại Paletine, Kuwait hoặc Jordan, nhưng chi phí sinh hoạt và điều trị K tại những đất nước này đều rất đắt đỏ.
“Tôi không bị mắc kẹt tại Việt Nam, mà muốn ở lại để sinh sống và chữa bệnh”, ông Khalaf nói.
Anh Saleem Hammad, người Palestine, chuyên viên phân tích truyền thông tại Đại sứ quán nhà nước Qatar tại Việt Nam đã liên hệ với Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam, hỏi về tình hình của ông Khalaf. Anh được biết, Đại sứ quán Palestine đã giúp đỡ ông Khalaf một thời gian dài từ đầu dịch Covid-19, thậm chí tài trợ vé máy bay về nước nhưng ông từ chối.
“Cá nhân tôi cũng như một số người khác đã hỗ trợ bác bằng một số tiền không nhỏ và thường xuyên qua thăm bác trên hồ Gươm. Bác từ chối về nước vì những lý do cá nhân, có thể do chuyện gia đình hoặc do bác yêu Việt Nam và nhận tấm lòng, sự giúp đỡ ấm áp của những người bạn Việt Nam”, anh Saleem nói.
Đều đặn, mỗi hai tuần, ông Khalaf dành nguyên một ngày, bắt xe buýt từ nhà trọ trên phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm) đến Bệnh viện K Tân Triều điều trị ngoại trú.
Bác sĩ Trần Thắng, Trưởng Khoa nội 4, Bệnh viện K Tân Triều cho biết, thời gian đầu mắc bệnh, ông Khalaf Abuawad điều trị tại Bệnh viện Đại học Y, sau chuyển về Bệnh viện K Tân Triều.
Theo bác sĩ Thắng, ông Khalaf đã trải qua quá trình truyền hóa chất, tia xạ, hiện tiếp tục truyền hóa chất, nhưng sức khỏe dần đi xuống. Bác sĩ điều trị lựa chọn phác đồ phù hợp với tình trạng và nguồn lực của bệnh nhân.
“Chưa bao giờ ông Khalaf n.ợ viện phí, ông luôn cố gắng xoay sở nộp đúng hạn. Thời gian trước, một số mạnh thường quân giúp đỡ, ông nhận tiền, sau đó mang xuống bệnh viện gửi chi trả dần viện phí. Bệnh viện hiện cũng đang tìm nguồn tài trợ giúp đỡ, vì ông sống một mình, lại ở nơi đất khách quê người”, bác sĩ Thắng nói.
Gánh hàng rong dọc vỉa hè hồ Gươm và khát khao trả ơn Việt Nam
Mỗi ngày, ông Khalaf Abuawad lang thang, bán kẹo dọc vỉa hè hồ Gươm từ 14h đến 23h, giá từ 2.000 – 10.000 đồng. Ông chủ yếu nhập hàng từ siêu thị, bán chênh lệch giá 2.000-3.000 đồng/sản phẩm để lấy lãi. Những lúc trời mưa, ông xin ngồi sát mép cửa hàng bán kem bên cạnh để trú tạm.
Thu nhập mỗi tháng dao động 5-6 triệu đồng, dịp lễ Tết tăng thêm một triệu. Ông dành 3 triệu đồng để trả tiền nhà trọ. Số còn lại cộng với khoản tiền mạnh thường quân giúp đỡ, dành điều trị bệnh K.
Anh Lê Xuân Nhân, 20 tuổi, chủ trọ, cho biết ông Khalaf thuê phòng từ tháng 4/2021, không phải đặt cọc và được giảm nửa giá do hoàn cảnh khó khăn. Mọi người thỉnh thoảng giúp đỡ ông bữa ăn hay những công việc lặt vặt.
“Ông rất uy tín, có vấn đề luôn báo trước nên chúng tôi rất yên tâm. Tháng nào nợ hay chậm tiền nhà, ông đều báo trước và xin khất. Tuy không có tiền, nhưng thỉnh thoảng ông vẫn cho chúng tôi mì tôm để ăn đêm. Trong tất cả hoàn cảnh, ông là người khó khăn nhất”, anh Nhân nói.
Ngày trước, ít người biết đến, gánh hàng rong của ông mỗi ngày chỉ tiếp 1-2 khách mua hàng. Ông từng mong muốn bán kem để cải thiện thu nhập, nhưng không có thiết bị hỗ trợ nên đành thôi.
Từ khi bất ngờ “nổi tiếng” trên các nền tảng mạng xã hội Việt Nam, “ông Khalaf và những thanh kẹo” được nhiều người biết đến và quan tâm. Từ chiều 25/3, rất đông người tìm đến mua hàng. Họ lấy danh là mua kẹo, nhưng thực chất hỗ trợ ông Khalaf bằng cách không lấy tiền thừa, tặng đồ ăn, tặng tiền, hi vọng ông có thêm động lực “chiến đấu” với bệnh tật.
Vài tiếng sau, những khay hàng đã hết nhẵn kẹo. Ông Khalaf chắp tay cảm ơn từng vị khách, xúc động nói “Chưa bao giờ, tôi bán được hết hàng nhanh như thế. Cảm ơn mọi người”. Những hộp cơm, gói bánh, chai nước,… được người dân gửi tặng, nếu không ăn hết, ông để dành cho ngày hôm sau.
Ông bật khóc trước tình cảm của mọi người, xem Việt Nam là gia đình dù đã trải qua muôn vàn khó khăn. “Tôi khát khao giúp đỡ người Việt Nam như cách họ đã cưu mang tôi những năm tháng qua”, ông nói.
Anh Kiều Văn Giang, 38 tuổi, thợ bảo dưỡng xe, bắt taxi lên hồ Gươm kiếm ông Khalaf sau lời nhờ của một người bạn sống bên Phillipines. Dạo một vòng hồ, anh bắt gặp người đàn ông ngoại quốc lớn tuổi đang bán những thanh kẹo giá vài nghìn đồng. Anh vội đến gần, trao tận tay ông 500.000 đồng cùng lời chúc may mắn.
Chị Nguyễn Thanh Xuân, 30 tuổi, phố Vạn Kiếp, biết đến hoàn cảnh của ông Khalaf cách đây một năm. Chị vẫn thường đưa hai con gái lên hồ Gươm chơi, mua kẹo ủng hộ ông. Xem clip trên TikTok, chị bất ngờ trước thông tin ông mắc K giai đoạn cuối, người gầy hẳn đi.
“Năm ngoái, ông béo và khỏe mạnh hơn. Hi vọng mọi người giúp đỡ ông có tiền điều trị”, chị Xuân chia sẻ.
Để trả ơn Việt Nam, ông Khalaf Abuawad mong muốn dạy tiếng Anh miễn phí cho người dân khi sức khỏe ổn định trở lại. “Nếu không có người Việt Nam, tôi đã ra đi một năm trước. Tôi muốn trả ơn những gì mà người Việt đã giúp đỡ và làm cho tôi suốt hai năm qua”, ông xúc động./.