Nhiều du khách đến Hà Nội đồng loạt chia sẻ việc trở thành F0 sau Tết:
Trong và sau Tết Nguyên đán, nhiều du khách đến Hà Nội đồng loạt mắc Covid-19. Dù ca mắc mỗi ngày giảm, nhưng có thể là mức giảm “giả tạo”.
Sau Tết, nhiều người dân, du khách đến Hà Nội mắc Covid-19
Sáng 7/2 – ngày đầu tiên đi làm trở lại sau Tết Nguyên đán, anh Phạm Văn Đông (29 tuổi, quê Hải Dương, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đến cơ quan, được test nhanh 2 lần (mẫu gộp và mẫu đơn) đều dương tính với SARS-CoV-2. Nghi ngờ mắc Covid-19, anh Đông được liên hệ sang Viện Huyết học – Truyền m.á.u Trung ương để thực hiện xét nghiệm PCR. Sau đó, anh về nhà, tự cách ly tại phòng riêng.
Tối cùng ngày, anh nhận kết quả khẳng định mắc Covid-19 với chỉ số CT (giá trị chu kỳ ngưỡng) là 18. Trước đó, anh vẫn nghĩ do thời tiết Hà Nội mưa và lạnh nên có thể mệt do dính nước mưa.
Nam nhân viên cho biết, trong thời gian nghỉ Tết, chỉ đi chúc Tết họ hàng cùng bố mẹ và các anh chị em trong gia đình. Thời điểm đó, anh có gặp mặt 5 người bạn cùng lớp cấp 2, không tiếp xúc thêm người lạ.
“Cả Tết, tôi ngủ cùng cháu trai 8 tuổi, nhưng may mắn cháu âm tính”, anh Đông nói và cho biết, toàn bộ người thân và 5 người bạn đều âm tính 3 lần với SARS-CoV-2, giúp anh “thở phào nhẹ nhõm”.
Sang ngày 8/2, anh Đông liên hệ với Trạm y tế phường Mai Dịch để khai báo y tế và được các bác sĩ hỏi thăm sức khoẻ, hướng dẫn cách ly và điều trị tại nhà. Ngoài các nhân viên tại trạm y tế, anh còn được các bác sĩ của mạng lưới thầy thuốc đồng hành của tổng đài 1022 gọi điện hỏi thăm. Do đã tiêm đủ 3 liều vaccine Covid-19, nên triệu chứng của anh rất nhẹ.
“Tôi không bị mất vị giác, chỉ ho theo cơn và cơ thể mệt mỏi”, anh Đông cho biết mỗi ngày đều sử dụng máy đo SpO2 (độ bão hòa oxy trong m.á.u ngoại biên) để theo dõi sức khoẻ. Ngoài ra, anh cũng dùng thuốc theo các triệu chứng, sử dụng nước muối xịt mũi dạng phun sương, nước muối rửa họng và đun nước để xông.
Đến ngày 10/2, anh test nhanh vẫn hiện 2 vạch, nhưng vạch T rất mờ. Hai ngày sau, anh tiếp tục xét nghiệm, cho kết quả âm tính lần 1.
“Trong thời gian cách ly và điều trị tại nhà, tôi vẫn làm việc trực tuyến theo quy định của cơ quan. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp luôn hỏi thăm, giúp tôi ổn định tinh thần. Đặc biệt, tôi và đồng nghiệp còn lập một nhóm Zalo để theo dõi sức khoẻ và tình hình điều trị”, anh Đông chia sẻ.
Trong khi đó, 5h sáng mùng 4 Tết, anh Đức Sơn đưa mẹ (66 tuổi, nhiều bệnh nền) đến Bệnh viện Thanh Nhàn nhập viện điều trị Covid-19. Chiều hôm đó, anh test nhanh, cũng phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. May mắn, vợ và 2 con của anh âm tính.
Anh Sơn nhớ lại, từ mùng 1 đến mùng 3, gia đình chỉ tiếp xúc với các anh chị em họ hàng đến chúc Tết, không thể xác định được nguồn lây chính xác. Chỉ khi xuất hiện triệu chứng, cả nhà test nhanh mới phát hiện mắc Covid-19.
“Do đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nên mình cảm thấy không sao, xem Covid-19 như cảm cúm thông thường, chỉ lo cho 2 con chưa được tiêm”, anh Sơn nói.
Trong khi mẹ điều trị tại bệnh viện, anh Sơn tự cách ly và điều trị tại nhà. Anh ở một phòng riêng biệt, có phòng tắm – vệ sinh khép kín, không ra ngoài. Vợ và 2 con sinh hoạt một phòng riêng. Nếu phải ra ngoài để rửa bát, phơi quần áo, anh đeo 2 khẩu trang, sát khuẩn tay trước và sau khi xong việc.
“Sau khi báo y tế phường, mình được kê đơn thuốc. Ngoài ra, mình cũng được cấp tài khoản để khai báo sức khoẻ hàng ngày trên website của Sở Y tế Hà Nội. Mọi sinh hoạt như ăn uống, tắm giặt,… diễn ra bình thường”, anh Sơn kể.
Mỗi ngày, gia đình đều gọi điện hỏi thăm sức khoẻ mẹ trong bệnh viện. Dự kiến một tuần nữa, bà sẽ được xuất viện, về nhà tự theo dõi sức khoẻ.
“Bản thân mình cũng đã âm tính, được cấp giấy khỏi bệnh và tái hoà nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho mọi người, mình vẫn hạn chế tiếp xúc và tự theo dõi sức khoẻ”, anh cho hay.
Anh L.T., 31 tuổi, mắc Covid-19 ngày 11/2. Sau khi khai báo với trạm y tế phường, anh được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà và sử dụng thuốc theo triệu chứng. Anh T. kể, trong Tết gia đình hạn chế đi chơi. Tuy nhiên, những ngày sau, anh có đi chúc Tết, gặp gỡ bạn bè. Anh cho rằng đây chính là thời điểm bị lây nhiễm Covid-19.
“Mình nghĩ sau Tết, Hà Nội chuyển mưa phùn, ẩm và rét, chính là tác nhân khiến dịch bệnh dễ lây lan hơn, virus phát triển mạnh hơn. Ngày thứ hai bị nhiễm bệnh, mình mệt, ngủ cả ngày”, anh T. nói.
Ra Hà Nội đón Tết không may mắc Covid-19 là hoàn cảnh của anh N., 29 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM. Chuyến đi được anh lên kế hoạch từ trước, có sự chuẩn bị chu đáo từ vé máy bay, khách sạn, lịch trình cụ thể.
Gia đình từng khuyên anh nên hoãn chuyến đi vì tình hình dịch bệnh tại Hà Nội vẫn rất căng thẳng, tiệm cận 3.000 ca mắc mới mỗi ngày. Dù hơi lo lắng, nhưng đã chuẩn bị kỹ lưỡng, có kiến thức sau 2 năm phòng chống dịch tại TP.HCM, nên anh N. vẫn quyết định thực hiện chuyến bay.
Anh N. có mặt tại Hà Nội chiều mùng 5 Tết. Ngay khi xuống sân bay, anh test nhanh âm tính, đã gặp gỡ một số người thân và bạn bè. Anh hạn chế di chuyển nhiều nơi, cố gắng nhớ tất cả những người mình tiếp xúc.
Đến chiều mùng 7 Tết, khi một người bạn thông báo là F0, anh test nhanh vẫn âm tính. Tuy nhiên, kết quả PCR lại dương tính. Anh phải huỷ vé máy bay về TP.HCM và tự cách ly, điều trị tại nhà người thân.
“Dù đã lường trước tình hình dịch bệnh ở Hà Nội rất căng thẳng nhưng khi mắc bệnh, tôi khá bối rối vì Hà Nội không phải nơi tôi sinh sống. Tôi phải nhờ sự hỗ trợ và giúp đỡ của bạn bè để có thuốc và các vật dụng y tế cần thiết”, anh N. kể.
Sau 4 ngày cách ly, tình trạng sức khoẻ của anh N. ổn định. Dù test nhanh vẫn dương tính nhưng 2 vạch mờ dần, anh tiếp tục theo dõi sức khoẻ, sau khi PCR âm tính sẽ về lại TP.HCM.
“Hà Nội hiện rất lạnh nên ảnh hưởng một phần đến sức khoẻ của các F0. Do đó, những người không có công việc hay lịch trình quan trọng, nên hạn chế di chuyển. Rất may, trong thời gian cách ly, tôi vẫn có thể giải quyết phần công việc của mình”, anh N. nói.
Số ca mắc mỗi ngày giảm “giả tạo”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan!
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 11/2, đại diện Sở Y tế cho biết, trung bình thành phố ghi nhận 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước (trung bình 2.902 ca/ngày), tuy nhiên, đây có thể là mức giảm “giả tạo”. Trong tuần tiếp theo, có thể ghi nhận số mắc tăng cao. Song, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng, tỉ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Trong thời gian tiếp theo, khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập. Do đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để phục hồi, phát triển kinh tế nhưng đảm bảo an ninh y tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, số ca mắc hiện nay của Hà Nội đang được thống kê không phải con số thực tế chuẩn xác nhất.
Lý giải về điều này, ông Phu cho rằng, hiện nhiều trường hợp xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 nhưng không khai báo y tế, tự điều trị cách ly tại nhà. Có trường hợp không triệu chứng, không xét nghiệm nên không biết được mình bị nhiễm Covid-19.
Ông Phu khuyến cáo, người dân cần phải khai báo y tế ngay khi xét nghiệm dương tính để được tư vấn, giám sát. Hơn nữa, trong trường hợp F0 chuyển nặng, sẽ được nhân viên y tế can thiệp kịp thời.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích, việc tăng hay giảm vài trăm ca Covid-19 mỗi ngày không thể hiện rõ tình hình dịch. Xét tổng thể, hiện nay, đa số người dân Hà Nội đều đã được tiêm vaccine 2 mũi, thậm chí mũi 3 cũng đã tăng năng lực bảo vệ lên nhiều.
Ông Hùng nhấn mạnh, điều quan trọng cần quan tâm hơn đó là các trường hợp bệnh nặng, bệnh nền để phân tầng điều trị.
“Có nhiều trường hợp F0 nhưng ở thể nhẹ chỉ qua một vài ngày là khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp có bệnh nền, triệu chứng nặng hay người già thì cũng cần có sự phân loại để chuyển tầng trong điều trị, tránh những trường hợp xấu xảy ra”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội trong cuộc họp chiều 11/2 cảnh báo nguy cơ dịch bệnh khi thành phố dần mở cửa trở lại các hoạt động thiết yếu sau Tết. Ông yêu cầu các địa phương, đơn vị phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, đề xuất giải pháp cụ thể để kiềm chế giảm dần số ca từng ngày.
Về nhiệm vụ thời gian tới, ông Phong yêu cầu các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Các quận/huyện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phù hợp với tình hình thực tiễn để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác tiêm chủng, hạn chế tập trung đông người sau dịp Tết.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan rà soát các đối tượng để hoàn thành việc tiêm vaccine mũi 2, mũi 3. Đối với các địa phương có sự gia tăng F0 đột biến thì cần nghiêm túc đánh giá các nguyên nhân để tìm ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn./.