Nhiều người nghĩ nên nhiễm Covid-19 để "bất tử": Khỏi bệnh mới hối hận

Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, không chỉ có tâm lý xác định sẽ mắc Covid-19, nhiều người còn mong nhiễm bệnh Tết Nguyên Đán.

Xúi dại mọi người nên nhiễm bệnh để “bất tử”

Mỗi ngày, cả nước ghi nhận khoảng 15.000 ca nhiễm Covid-19 mới, xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành khiến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ có suy nghĩ trước sau gì cũng nhiễm Covid-19 nên sẵn sàng đón nhận.

Số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày đều dao động khoảng 15.000 ca khiến nhiều người nghĩ “trước sau gì cũng nhiễn bệnh”

Không khó để nhìn thấy trong số những người bạn, đồng nghiệp trên mạng xã hội của mỗi người, không ít người đã đang và có tâm lý sẽ mắc Covid-19. Thậm chí, có một số người còn mong nếu có nhiễm Covid-19 thì làm ơn đừng rơi vào dịp Tết Nguyên Đán vì sợ cảnh phải “cách ly một mình”.

Chị N.T.Tr (30 tuổi, quê Quảng Ngãi) là một nhân viên văn phòng tại quận Bình Tân. Sau khi xác định cùng gia đình về quê ăn Tết, điều mà Tr. lo lắng nhất là sẽ mắc Covid-19 trúng thời điểm này.

“Nhiều lúc chị lại muốn nhiễm Covid-19 luôn để đỡ phải e dè phòng tránh nữa. Vì nếu chị về quê mà nhiễm bệnh, không chỉ mất Tết của bản thân mà con sợ lây nhiễm cho cả nhà. Dù sao nhiễm bệnh rồi sẽ an toàn hơn, chị nghĩ tiêm đủ mũi vaccine rồi, không sao đâu”, chị Tr. nói.

Việc phủ vaccine khiến tâm lý của người dân cũng an tâm hơn

Cũng giống như chị Tr., tâm lý nhiễm bệnh để được an toàn, được “bất tử” là suy nghĩ chung của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, sau khi khỏi Covid-19, không ít người lại té ngửa vì những di chứng đáng sợ mà Covid-19 để lại.

Anh P.V.T (28 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) nhiễm Covid-19 hồi tháng 8/2021 và khỏi bệnh chỉ vài ngày sau đó. So với những người mắc Covid-19 nặng, anh T. trải qua chuỗi ngày nhiễm bệnh khá thoải mái khi bản thân chỉ sốt 1 ngày, không hề khó thở, mất khứu giác, vị giác và chỉ số SpO2 đều ở mức an toàn.

Sau khi hoàn toàn âm tính với SARS-CoV-2, anh T. quay trở lại công việc, gạt bỏ tâm lý lo sợ, phòng bệnh lúc trước khi không ngại di chuyển vào những nơi dễ lây nhiễm, tiếp xúc với nhiều người (tính chất công việc giao tiếp mỗi ngày). Chưa hết, anh T. còn chia sẻ về quá trình nhiễm bệnh và cách vượt qua của bản thân, động viên tâm lý những F0 đang điều trị.

Dẫu vượt qua Covid-19 dễ dàng nhưng nhiều người lại sợ hãi khi đối mặt với di chứng của bệnh

“Mình cứ nghĩ sau khi khỏi bệnh rồi thì sẽ có sức đề kháng tốt hơn với loại virus này, tâm lý cũng thoải mái, bạn bè đều nói đùa rằng mình đã “bất tử”, chẳng lo sợ gì nữa… Đôi lúc, mình thấy tự hào về điều đó, còn mạnh miệng xúi dại mọi người nên nhiễm bệnh đi để khỏi e dè, sợ hãi vì đã 2 mũi vaccine cả rồi, có người đã tiêm mũi bổ sung nên có nhiễm cũng sẽ không sao. Nhưng mình đã sai…”, anh T. trầm ngâm rồi nói tiếp.

“Mình liên tục mất ngủ, cứ 2-3 ngày lại mất ngủ một lần, có nhiều đêm liên tục không thể nào chợp mắt, mình phải sử dụng đến thuốc an thần, thậm chí là thuốc ngủ. Cơ thể thì lúc nào cũng mệt mỏi, làm việc nặng hay di chuyển nhiều đôi lúc lại thấy hụt hơi, khó thở. Đặc biệt, tóc mình rụng rất nhiều. Không nghĩ một người vượt qua Covid-19 một cách nhẹ nhàng như mình lại gặp phải những di chứng nặng nề, đáng sợ đến vậy”.

Anh Duy (35 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) phải đến Trung tâm điều trị hậu Covid-19 mỗi ngày vì xuất hiện nhiều di chứng

Cũng theo anh T., hầu hết những người bạn của anh đã từng nhiễm Covid-19 đều gặp phải những di chứng tương tự, có người còn nặng hơn khi mất khứu giác, không phân biệt được mùi vị, thậm chí phải nhờ đến mặt nạ oxy để thở sau khi vận động quá sức, hụt hơi.

80% người từng nhiễm bệnh gặp di chứng hậu Covid-19

Theo các chuyên gia, không có chuyện sau khi mắc bệnh sẽ bất tử với Covid-19, thậm chí nhiều người còn tái nhiễm đến 2-3 lần, phải nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.

Dù đã khỏi Covid-19 và được cho xuất viện từ 13/11/2021 nhưng đến nay, những di chứng hậu Covid-19 gây ra cho cô Nguyễn Thị Thu Hương (52 tuổi, ngụ Bình Tân) vẫn rất nặng nề.

Sau khi khỏi Covid-19, cô Hương lại rơi vào tình trạng suy hô hấp, khó thở, phải dùng mặt nạ oxy để duy trì sự sống

Trải qua 2 BV Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp và BV Quân y 175, với chẩn đoán viêm phổi diện rộng, suy hô hấp, tăng huyết áp…, sự sống của cô Hương hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc, oxy.

“Cô mệt lắm, không ngờ lại bị di chứng nặng đến vậy, giờ phải thở bằng oxy, không thể nào tự thở được”, cô Hương cho biết.

Vì tình trạng sức khỏe yếu, suy hô hấp nên hiện tại, cô Hương phải nhập viện Quân y 175 để tiếp tục điều trị những di chứng mà hậu Covid-19 để lại.

Việc điều trị hậu Covid-19 cũng gây tốn kém không nhỏ nếu kéo dài trong một thời gian dài, thậm chí phải nhập viện để điều trị

Theo thống kê của Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19, BV Lê Văn Thịnh cho biết có khoảng 80% F0 lành bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm (66%), xơ phổi (61%), mất ngủ (45%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%)… có xu hướng kéo dài hơn 4 tuần, thậm chí nhiều tháng.

Tính đến hiện tại, Trung tâm đã tiếp nhận khoảng 300 trường hợp F0 lành bệnh tới điều trị liên quan đến vấn đề hô hấp và tâm lý. Ths. BS Trần Tuấn Thành – Khoa Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, BV Lê Văn Thịnh cho biết có khoảng 80% F0 lành bệnh xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19, nếu như triệu chứng kéo dài từ 3 tuần trở lên, bệnh nhân cần đi thăm khám, tư vấn để có hướng điều trị phù hợp.

Ths. BS Trần Tuấn Thành cho biết 80% F0 lành bệnh thường xuất hiện các triệu chứng hậu Covid-19 liên quan đến vấn đề hô hấp và tâm lý

“Nhiều người bị sang chấn tâm lý khi cả gia đình nhiễm Covid-19, đi điều trị 4-5 người nhưng chỉ về được 2-3 người nên không muốn chia sẻ với bác sĩ. Trong quá trình khai thác bệnh, nếu thấy có vấn đề về tâm lý thì sẽ mời bác sĩ tâm lý làm việc riêng. Từ đó các bác sĩ sẽ hội chẩn lại để đưa ra 1 phác đồ điều trị phù hợp.

Thường thì các bệnh nhân đến Trung tâm trong tình trạng SpO2 xuống thấp, khó thở, mệt mỏi dẫn đến tình trạng mất ngủ kéo dài, quên trước quên sau nên đâm ra khủng hoảng. Có người vì mất đi người thân, ban đầu họ có tâm lý không muốn sống nữa, mình phải động viên, giúp họ vượt qua khó khăn để tiếp nhận việc điều trị “, BS. Trần Tuấn Thành chia sẻ.

Mỗi ngày, Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19, BV Lê Văn Thịnh tiếp nhận khoảng 20-25 lượt bệnh nhân đến điều trị

Theo BS. Thành, trường hợp thường gặp nhất ở các bệnh nhân hậu nhiễm Covid-19 là khó thở, mệt mỏi, mất ngủ, đau đầu, đau cơ khớp, rụng tóc, một số trường hợp mất mùi, mất vị giác… Nếu phát hiện các triệu chứng đó và được can thiệp kịp thời thì 2-3 tuần sau có thể hồi phục 80-90%. Nếu gặp các dấu hiệu bất thường kéo dài, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị.

Trẻ em vẫn có thể không qua khỏi vì di chứng hậu Covid-19

Nhiều người vẫn nghĩ ở trẻ em, khi mắc Covid-19 thường sẽ rất nhẹ và dễ dàng vượt qua nên hay có tâm lý chủ quan, không lo sợ về dịch bệnh. Tuy nhiên, một số ít trường hợp trẻ đã khỏi Covid-19 vẫn xuất hiện nhiều di chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến không qua khỏi.

Theo các bác sĩ, song song với những di chứng nặng nề mà người lớn phải đối mặt, ở trẻ em, ngoài việc hoảng loạn, sợ hãi về tâm lý, Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19 (MIS-C) cũng là một căn bệnh nguy hiểm cần đặc biệt lưu ý.

BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 2 chia sẻ về Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19

Trao đổi với chúng tôi, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó khoa Tim mạch, BV Nhi đồng 2 cho biết một số trẻ sau khi nhiễm Covid-19 thì mắc Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến Covid-19 (MIS-C).

”Các bé nhập viện có thể với triệu chứng ở những cơ quan khác nhau, trong đó triệu chứng ở đường tiêu hóa là hay gặp nhất. Ngoài ra, một số ít các bé có biểu hiện triệu chứng ở đường hô hấp hay tim mạch… Đặc biệt có bé biểu hiện bệnh nặng hơn với hạ huyết áp, sốc, rối loạn nhịp do tổn thương cơ tim và hệ mạch vành nuôi tim”, BS. Phượng nói.

Độ tuổi các bé hay gặp MIS-C hậu Covid-19 là trẻ lớn, thường là từ 5-9 tuổi. Những em bé có cơ địa béo phì hay có bệnh lý nền kèm theo thì cần được theo dõi sát sao do bệnh có thể diễn tiến nặng hơn.

“Phần lớn các bé tới bệnh viện có triệu chứng về đường tiêu hóa với đau bụng, nôn ói hay tiêu chảy; chỉ có số ít có triệu chứng của tim mạch như mệt, tái, huyết áp tụt… Nếu những trường hợp này nếu không được cấp cứu và can thiệp kịp thời có thể sẽ dẫn đến không qua khỏi”, BS. Phượng lưu ý.

Sau 20 ngày sốt cao không dứt, Nghĩa (12 tuổi) phải nhập viện Nhi đồng 2 để điều trị hậu Covid-19 với chẩn đoán mắc MIS-C

BS. Phượng cũng cho biết hiện tại số lượng bé mắc MIS-C có vẻ đang tăng lên. Tuy nhiên, điều may mắn là các bé đều được bố mẹ đưa đến bệnh viện kịp thời để điều trị nên vẫn trong khả năng kiểm soát của các y bác sĩ.

“Tất cả những trẻ trong khoảng từ 2-6 tuần sau khi nhiễm Covid-19 hoặc sống cùng nhà với các thành viên trong gia đình đã từng nhiễm Covid-19, mà có những triệu chứng như sốt kéo dài, phát ban ngoài da, triệu chứng đường tiêu hóa, đường hô hấp thì nên đưa bé tới cơ sở y tế để các y bác sĩ kiểm tra để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra”, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Phượng chia sẻ..