Phỏng vấn dạo về câu hỏi lớn nhất lúc này: "Bạo hành" và "dạy dỗ" khác nhau thế nào, người lớn sẽ làm gì khi thấy 1 đứa trẻ bị bố mẹ đánh?
Những ngày qua, càng theo dõi sự việc, người ta càng cảm thấy đau xót và phẫn nộ trước người mẹ kế ác độc và người cha ruột tàn nhẫn, vô nhân tính. Càng thương xót cho cái chết của đứa bé vô tội, người ta lại cài day dứt về những điều “lẽ ra” đã phải làm để níu giữ sinh mệnh thuần khiết đó.
Những cái “giá như…” đắng chát
“Giá như bố mẹ không ly hôn thì V.A sẽ không phải chịu đựng nỗi đau kinh khủng ngoài sức tưởng tượng như thế này.”
“Giá như mẹ ruột V.A mạnh mẽ hơn, hiểu biết hơn về luật ly hôn để có thể giữ con bé ở lại bên mình…”
“Giá như những người hàng xóm ngay khi nghe thấy tiếng trẻ gào góc, tiếng la mắng ầm ĩ; khi nhìn thấy vết thâm tím trên người V.A hay cả sự lầm lũi sợ sệt đến lạ kỳ của đứa trẻ liền tìm hiểu đến cùng. Vì biết đâu, sự quyết liệt tưởng chừng như “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng ấy” lại có thể giữ em ở lại với đời.”
“Giá như…” và “giá như…” cùng hàng loạt những giả thiết được đưa ra khiến người ở lại càng thêm chua xót.
Trở lại với vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết, rõ ràng không phải lần đầu tiên xảy ra. Mới hồi đầu năm, một bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành đến chết cũng từng gây xôn xao dư luận một thời gian khá dài.
Có điều, thường chỉ khi xảy ra hậu quả kinh hoàng như 2 vụ việc vừa đề cập ở trên, mới thấy người ta phẫn nộ, lên án. 2 vụ việc đều xảy ra ở những thành phố lớn, đông dân nhât cả nước. Điều này dấy lên một câu hỏi lớn, rằng chúng ta nhận thức thế nào về “bạo hành trẻ em”, điều gì khác biệt giữa “bạo hành” và “dạy dỗ”?
Clip phỏng vấn dạo dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn cái nhìn toàn cảnh về vấn đề nhạy cảm này, để xem người lớn chúng ta thực sự hiểu thế nào về vấn đề mang tính xã hội này.
Ai cũng đã từng gặp, nhưng…
Phỏng vấn dạo: Người lớn làm gì khi thấy trẻ bị bố mẹ đánh?
Theo ghi nhận của chúng tôi, đại đa số mọi người đều đã từng chứng kiến trẻ bị bố mẹ hoặc người thân đánh. Có thể là nhà hàng xóm, cũng có thể ngay trong chính gia đình mình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do: Hoặc là cho rằng đó là “chuyện nhà người ta”, hoặc cho rằng đó là “dạy dỗ bình thường thôi” nên chúng ta hầu hết đều… không làm gì cả.
Thực trạng này có lẽ đã gióng lên một hồi chuông báo động, như một lời cảnh tỉnh người lớn rằng những đứa trẻ cần được quan tâm nhiều hơn, bảo vệ sớm hơn chứ không phải chờ đến khi chúng đã bầm dập, đã tử vong thì chúng ta mới lên tiếng phẫn nộ, đòi pháp luật trừng trị.
Khi thói “bao đồng” của người lớn trở thành sự bao bọc cuối cùng cho những đứa trẻ
Chúng ta vẫn thường sẵn sàng bóc phốt cửa hàng bán đồ kém chất lượng ngay tức thì, thậm chí bóc phốt ngôi sao này, người nổi tiếng nọ chỉ vì họ lỡ không may nói ra một câu nói gì đó nghe chưa vừa tai cho lắm. Thế nhưng khi gặp cảnh trẻ em bị bố mẹ chúng đánh thì lại coi đó là “chuyện riêng nhà người ta”, lại cho rằng những đòn roi đó chỉ là để giáo dục “bình thường thôi”?
Không giọt nước nào nhận ra rằng mình cũng đã góp phần làm tràn ly. Ai cũng nghĩ mình chỉ là những người ngoài cuộc, bé nhỏ và vô tội. Chúng ta tự cho phép mình đứng ngoài câu chuyện và phán xét, đổ lỗi cho tất thảy mà quên nhìn nhận lại chính bản thân.
Để không một đứa trẻ nào phải chết trong oan ức, hãy quan tâm nhiều hơn, học cách lên tiếng bảo vệ một đứa trẻ vì đứa trẻ nào cũng xứng đáng được yêu thương và vì bạn chỉ có thể tạo ra một môi trường sống an toàn cho con trẻ bằng việc bảo vệ cả những đứa trẻ khác mà thôi!
HÃY QUAN TÂM, trước khi nghĩ có thể làm gì cho trẻ, hãy quan tâm hơn, đó là điều kiện cần.
https://afamily.vn/phong-van-dao-cau-hoi-lon-nhat-luc-nay-nguoi-lon-hieu-the-nao-ve-bao-hanh-tre-em-ho-se-lam-gi-neu-thay-mot-dua-tre-bo-me-danh-20220102012514886.chn Đoạn tin nhắn hé lộ sự bình tĩnh đến khó tin của Thái khi con gái vừa tử vong: Nói dối về nguyên nhân cái chết, “mô phật” như thể thấy tai nạn ngoài đường?