Sắp t.iêm vắc xin cho trẻ 5 -11 tuổi, có nên cho bé uống nước tía tô trước không: BS giải đáp cho các mẹ để lưu ý
Sắp tới trẻ từ 5-11 tuổi sẽ đồng loạt được tiêm vắc xin ‘cô vít’, nhiều bố mẹ lo lắng con bị sốt hoặc gặp phản ứng phụ nọ kia, nên vô cùng lo lắng.
Nhiều người còn mách nhau cách sử dụng một số mẹo dân gian, chẳng hạn như cho bé uống lá tía tô trước khi tiêm chủng để giảm bớt những triệu chứng khó chịu này. Vậy điều này có đúng không?
Sau khi đọc thông tin trên báo Doanh nghiệp tiếp thị, mình thấy Ths.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã phân tích đầy đủ rồi.
Giờ mình chia sẻ cho những ai quan tâm nha.
Bố mẹ mách nhau cho con uống lá tía tô trước khi tiêm vắc xin ‘cô vít’
Trường hợp đầu tiên là gia đình chị B.A.T. (ở Hà Nội). Nói về chiến dịch chuẩn bị trước khi cho con tiêm vắc xin ‘cô vít’, chị T. chia sẻ: ‘Sắp tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi rồi nên mình cũng có chút lo lắng cho sức khoẻ của con.
Thế nhưng, mình có một ‘bảo bối’ dùng khá hiệu quả các mẹ có thể áp dụng. Đó là trước khi tiêm 2 ngày, mọi người có thể xay lá tía tô lấy nước cho con uống. Đây là cách mình đã áp dụng với bản thân và một bé đang học lớp 6 nhà mình rất hiệu quả’.
Một trường hợp khác là chị P.H, cũng chia sẻ một kinh nghiệm giúp giảm phản ứng sau tiêm ‘cô vít’ cho trẻ. Đó là nên cho bé uống thuốc bổ tăng cường sức đề kháng sẽ giảm phản ứng sau tiêm.
Chuyên gia nói gì?
Dược sĩ Nguyễn Thị Nguyên Sinh và bác sĩ Phạm Đức Thắng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3 trước đó từng chia sẻ, tía tô (theo y học cổ truyền) là loại dược liệu có tác dụng hạ sốt, vã mồ hôi, giảm đau, giải độc, giúp tiêu hóa tốt, hỗ trợ điều trị mề đay, mẩn ngứa.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, chưa có tài liệu chính thống nào báo cáo về tác dụng phòng ngừa phản phụ sau tiêm vắc xin của tía tô. Hơn nữa, cũng chưa có khuyến cáo nào từ các chuyên gia là nên cho trẻ uống nước tía tô trước khi tiêm chủng.
Việc uống nước tía tô trước khi tiêm chủng ảnh hưởng gì đến hiệu quả của vắc xin, có làm cho cơ thể phản ứng miễn dịch chậm với vắc xin hay không, thì đến nay vẫn chưa được hiểu biết một cách rõ ràng.
Hơn nữa, uống quá nhiều nước tía tô sẽ gây chướng bụng, đầy hơi và một số tác dụng không mong muốn khác.
Ths.BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: ‘Không chỉ riêng với vắc xin ‘cô vít’, với tất cả những loại vắc xin trẻ em khác thì phản ứng sau tiêm của mỗi trẻ cũng rất khác nhau.
Do đó, sẽ không thể dự đoán trước đó chắc chắn là bé có gặp biến cố nghiêm trọng sau tiêm hay không. Việc uống lá tía tô hay thuốc bổ chỉ để giảm phản ứng phụ chỉ là giải pháp tâm lý để bố mẹ an tâm’.
Chuyên gia này cũng cảnh báo, không phải vì vậy mà bố mẹ hoặc người lớn trong nhà không để ý và lưu ý đến trẻ sau khi tiêm chủng và về nhà.
Theo bác sĩ Minh, sau tiêm vắc xin ‘cô vít’, đơn giản nhất là cho con uống nhiều nước, ăn theo nhu cầu của trẻ, mặc đồ thoáng mát rộng rãi, tránh để trẻ bị cảm lạnh, ngủ đủ giấc, và hạn chế vận động chạy nhảy quá sức trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm.
Ngoài ra, bố mẹ tuyệt đối không đắp lá cây hay bôi thuốc gì lạ lên vị trí tiêm. Nếu bé bị sưng đau nhiều hay sốt, bố mẹ sẽ cho con uống thuốc giảm đau hạ sốt thông thường như Paracetamol với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng của trẻ, uống 3-4 lần/ngày.
Nếu trẻ sốt dưới 38,5 độ C, bố mẹ cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, bẹn, hố nách, cho trẻ uống đủ nước, không để nhiễm lạnh.
Ngoài ra, bố mẹ cần đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu trẻ sốt từ 38,5 độ C trở lên thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt.
Trong quá theo dõi bé sau tiêm vắc xin, khi thấy một trong các dấu hiệu sau hãy liên hệ với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
– Đường hô hấp: Có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
– Ở miệng: Thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
– Ở họng: Có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
– Ở da: Thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
– Đường tiêu hóa: Có dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
– Về tim mạch: Có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
– Về thần kinh: Có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
– Toàn thân: Biểu hiện chóng mặt, xây xẩm, choáng, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường.
Ngoài ra, trẻ bị đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn. Hoặc trẻ bị sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Trên đây là những thông tin đã được chia sẻ trên báo, mọi người tham khảo để chăm sóc bé đúng cách khi đi tiêm vắc xin ‘cô vít’ nha.
Nguồn: Tổng hợp