Thấy 3 cô gái trẻ ôm con đến nhà, cụ ông cưu mang rồi lấy cả 3 làm vợ
Dù có 4 vợ cùng 19 người con nhưng do cụ Huyên đối xử công bằng nên vợ và các con luôn yêu thương nhau như ruột thịt.
Ông cụ Mai Huyên (89 tuổi, ngụ tại ấp Bưng Cốc, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) được biết đến là người đàn ông đào hoa nhất miền Tây khi có đến 4 vợ. Đặc biệt hơn nữa 3 người vợ bé của cụ Huyên đều do vợ cả cưới về trong cùng một ngày.
Trong một ngày cưới thêm 3 vợ lẽ
Cụ Huyên nhớ lại, những năm 60 của thế kỷ trước, chiến tranh rất ác liệt, trong vùng những gia đình có vợ có chồng đã rất đói khổ, những góa phụ, cô nhi càng đói khổ hơn nhiều. Cũng thời đó, nhờ gia sản khẩn hoang của ông cha mà gia đình cụ Huyên có hơn 70 công (7ha) ruộng, là gia đình khá giả nên nhiều người tìm đến nương nhờ.
“Trong một năm đói khổ có cùng lúc 3 góa phụ, ai cũng bồng bế mấy đứa con đến trước cửa, mẹ tôi mủi lòng nên cho ở lại. Thời gian sau, cả 3 người đều có mong muốn làm vợ lẽ của tôi, họ không nói trực tiếp với tôi mà nói với mẹ và vợ tôi lúc đó.
Rồi mẹ và vợ tôi thuyết phục tôi nhận cả 3 người làm vợ, bản thân tôi cũng thương cảnh mẹ góa con côi nên đồng ý. Hôn lễ làm đơn giản, gia đình chỉ làm bữa cơm đạm bạc mời bà con họ hàng để báo hỷ với mọi người”, cụ Huyên kể.
Đang chỉ có một vợ với 4 đứa con, sau một đêm bỗng cụ Huyên có đến 4 vợ và thêm 7 đứa con nữa nên gia đình không khỏi xáo trộn. Dù rất công bằng, không thiên vị vợ nào, cũng thương con riêng của vợ như con ruột nhưng giai đoạn đầu gia đình không tránh khỏi những chuyện tiếng to tiếng nhỏ.
“Vợ cả của tôi nhân hậu lắm, chính bà ấy bảo tôi cưu mang 3 bà vợ sau nên trong nhà không xảy ra chuyện các bà vợ tị nạnh nhau. Nhưng mà phụ nữ mà, đôi khi cũng có người này, người kia ghen tuông hờn dỗi.
Người hay dỗi nhất lại là bà út, một tháng 4 tuần mình ở với 4 bà nhưng lý do nào đó không đến được với bà út đúng lịch là bà ấy ghen lắm. Giai đoạn đó cũng qua nhanh, sau này gia đình sống rất êm đềm, con riêng con chung cũng yêu thương nhau như anh em ruột”, ông cụ U90 vừa cười vừa kể.
Vợ cả sinh cho cụ Huyên 5 người con. Sau giải phóng vợ cả là người duy nhất sống chung nhà với cụ, những vợ khác đều có nhà riêng ở nơi khác. Sau này khi vợ cả mất, cụ sống một mình, cũng có tuổi nên lâu lâu mới đi thăm các bà vợ còn lại.
Ông Mai Lực (57 tuổi) hiện là người con duy nhất sống cùng cụ Huyên. Ông Lực cũng như các anh em khác, đều được cụ chia đều cho 3 công (3.000m2) đất.
Ông Lực bảo rằng ngày còn nhỏ thì thấy hạnh phúc vì nhiều mẹ, được các mẹ yêu thương, lớn lên lại hạnh phúc vì có đông anh chị em, làm gì cũng nhiều người giúp đỡ. Về của cải, ông Lực không thấy thiệt thòi khi những người con riêng của 3 mẹ kế cũng được chia phần, 19 anh em trong nhà không ai tị nạnh mà đều sống hòa thuận.
“Khi tôi sinh ra là đã có 4 mẹ rồi, được cưng dữ lắm. Những con riêng của mẹ kế đều coi cha tôi như cha ruột, nên anh em cũng yêu thương nhau như ruột thịt. Giờ mẹ tôi và mẹ 2 mất rồi, 2 bà được làm giỗ chung một ngày. Ngày giỗ anh em về đông vui, mọi người chỉ cần có thế”, ông Lực chia sẻ.
Tuổi già ở riêng nhưng luôn an lạc
Cụ Huyên kể, hồi còn bé ông có đi tu báo hiếu 6 tháng, sau này dù hoàn tục nhưng vẫn đam mê tìm hiểu Phật pháp, những khi có điều kiện ông đều tự học chữ Khmer để đọc kinh Phật. Năm 2000, lúc đó đã ngoài 60, con cái đều yên bề gia thất, không còn nhiều phiền muộn nên cụ có thời gian với những thú vui của riêng mình.
Nghe đâu có sách quý về Phật pháp cụ Huyên đều tìm mua hoặc nhờ người đặt mua bằng được. Tổng cộng ông cụ đã sưu tầm được hơn 100 đầu sách liên quan Phật giáo viết bằng tiếng Khmer.
“Người Khmer theo Phật giáo đều sống vị tha, biểu hiện rõ nhất là kiến trúc “nhà mát” thường được xây ven đường cho người qua lại nghỉ chân. Họ cũng rất có hiếu, ngoài đi tu báo hiếu người Khmer còn xây “nhà tháp” nguy nga để thờ cúng người đã khuất.
Khi có điều kiện, tôi quyết tâm phải xây 2 công trình nhà mát và nhà tháp bằng được. Tôi xây bằng tự sức của mình, cứ vậy miệt mài năm này qua năm khác, đến nay vẫn đang tiếp tục”, cụ Huyên chia sẻ.
Ngôi nhà mát là một kiến trúc như cổng có mái được ông Huyên xây từ năm 2000, nằm ngay trên lối vào nhà. Ngôi nhà rộng 3m, dài 4m, cao chừng 5m. Ngôi nhà được sơn màu đỏ nổi bật, mái và xung quanh trang trí nhiều phù điêu Phật giáo, trong nhà có ghế đá cho người đi đường nghỉ chân.
Ngay cạnh nhà mát là ngôi nhà tháp. Cụ Huyên cho biết ngôi nhà rộng khoảng 100m2, bên trong thờ Phật và đặt tro cốt của cha mẹ. Nhìn từ bên ngoài, ngôi nhà nổi bật với 3 màu chủ đạo là đỏ, vàng và xanh dương.
Mái và tường nhà được trang trí hàng trăm phù điêu lớn nhỏ, chủ yếu là các mặt Phật quay đi các hướng. Trong nhà cũng sắp đặt hơn 300 tượng Phật lớn nhỏ hoàn toàn từ tay cụ Huyên tạo tác.
Cụ bảo rằng những tượng Phật không phải được đặt ngẫu nhiên, mỗi tượng là một Phật khác nhau. Những phù điêu đặt nối tiếp nhau sẽ kể về những điển tích trong kinh Phật như Phật nhập niết bàn, Phật khất thực, Phật ngồi gốc bồ đề…
“Qua hơn 100 đầu sách Phật giáo, thấy có những câu chuyện rất hay, những lời răn rất hay nên tôi muốn kể lại cho mọi người một cách sinh động nhất. Tôi xây dựng nhà tháp không chỉ cho riêng mình mà trong ấp ai có nhu cầu đều có thể mang tro cốt cha mẹ đến gửi.
Biết được mục đích của tôi, cũng có nhiều người muốn đến chung tay giúp xây dựng nhưng tôi cảm ơn rồi từ chối, tôi muốn xây dựng hoàn hảo nhất theo đúng ý mình”, cụ Huyên cho biết.
Dù đã rất cao tuổi nhưng cụ Huyên luôn cảm thấy an lạc, cụ tự chăm sóc cho bản thân mình. Ngày ngày ông cụ đều dành một buổi đi lễ chùa, một buổi còn lại hoặc sẽ đi thăm vợ con, hoặc nghiên cứu Phật giáo hay hoàn thiện những công trình xây dựng của mình.
Ông Đồ Thanh Hoàng – Trưởng ấp Bưng Cốc cho biết cụ Huyên đã cưới 4 vợ từ thời chế độ cũ, hiện về pháp lý ông cụ Huyên chỉ có một vợ đã mất, những vợ khác đều sống riêng ở ấp khác hoặc xã khác.
“Cụ Huyên ông có 12 con ruột, nuôi thêm nhiều con riêng của các bà vợ. Điều đặc biệt là với gia sản hơn 70 công ruộng của mình, ông cụ Huyên chia đều cho con ruột lẫn con riêng của vợ mà không phân biệt.
Nhờ sống tử tế, công bằng nên gia đình tuy đông người nhưng luôn hòa thuận, vì vậy chính quyền cũng không can thiệp.
Cụ Huyên cũng đặc biệt khi tự tay xây nhà mát, xây nhà tháp cũng như ngôi nhà hiện ông cụ đang ở, làng xóm, con cháu chỉ giúp đỡ vật chất như xe cát, bao xi măng. Những công trình này vẫn đang được cụ Huyên tiếp tục hoàn thiện”, ông Hoàng cho biết thêm.