Việt Nam đón trận mưa sao băng đầu tiên trong năm 2022 với độ dày ấn tượng vào đêm nay

Đêm nay 3/1, rạng sáng 4/1, người yêu thiên văn có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Quadrantids – trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2022. Đây là một trong 2 trận mưa sao băng lớn nhất năm. Bởi trong số 10 trận mưa sao băng lớn nhất hằng năm, chỉ có hai trận tạo ra hơn 100 sao băng/giờ, bao gồm Quadrantids (vào tháng 1) và Geminids (vào tháng 12).

Mưa sao băng Quadrantids còn có tên Thước Tứ Phân, có nguồn gốc từ các hạt bụi để lại bởi sao chổi 2003 EH1. Các sao băng Quadrantids thường xuất hiện từ ngày 1-5/1 hằng năm, đạt cực đại vào đêm 3, rạng sáng 4/1 (đêm thứ Hai, rạng sáng thứ Ba).

Theo định vị trên Time and Date, mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực đại trên bầu trời Hà Nội vào rạng sáng 4/1 với khoảng 110 vệt/giờ. Còn tại TP.HCM cũng dự báo sẽ quan sát được tận 110 sao băng/giờ trong giai đoạn cực đại.

Tuy nhiên, thời điểm này đang vào mùa đông nên bầu trời nhiều tỉnh thành có thể sẽ nhiều mây, gây trở ngại cho việc ngắm sao. Nhưng năm nay, thời điểm diễn ra mưa sao băng Quadrantids trùng với đầu tháng âm lịch, Mặt Trăng sẽ không gây cản trở việc quan sát.

Nếu muốn chiêm ngưỡng hiện tượng thú vị này, hãy chọn những nơi bầu trời tối, không gian thoáng đãng và ít bị ảnh hưởng bởi các ánh sáng nhân tạo và ô nhiễm không khí.

Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm.

Sao băng thường xuất hiện theo từng đợt nên cần giữ sự tập trung khi quan sát, đặc biệt trong thời gian dài, ít nhất khoảng 1 tiếng. Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần mất khoảng 20 phút để mắt bạn thích nghi với điều kiện hoạt động trong bóng tối khi chiêm ngưỡng mưa sao băng.

https://afamily.vn/viet-nam-don-tran-mua-sao-bang-dau-tien-trong-nam-2022-voi-do-day-an-tuong-vao-dem-nay-20220103165101209.chn “Vật thể lạ” dài 15m bay lơ lửng trên bầu trời đêm khiến nhiều người hoang mang