Vợ sinh con lúc giãn cách XH, chồng nghèo thất nghiệp mắc bệnh lạ
Đau đớn vì bệnh tật khiến anh Nam cộc tính, hay l.a m.ắng con gái Trúc Phương nhưng bé chưa từng giận, còn cầu mong cha đừng ra đi.
Bán nhà mà chưa thể cứu con
Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình anh Nguyễn Thanh Nam (SN 1995) và chị Lê Thị Trúc Ly (SN 1993), ông Đỗ Thành Như – Trưởng ấp Phước Hưng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TPHCM thở dài: “Từ ngày Nam phát bệnh, cha mẹ anh phải bán nhà, mượn đất cất chòi để ở. Giờ tiền chạy chữa tốn kém mà gia đình thu nhập bấp bênh, rất khó khăn”.
Gia đình Nam không khá giả, nhưng cũng đủ ăn vì vợ chồng đều đi làm công nhân xưởng may, thu nhập cả hai hơn 10 triệu đồng mỗi tháng. Họ không túng thiếu, còn để dành được chút ít và lên kế hoạch sinh con.
Sau khi sinh bé Nguyễn Thị Trúc Phương (SN 2019), Trúc Ly ở nhà chăm con cho cứng cáp. Đầu năm 2020, Ly đang tính xin việc lại thì gặp giãn cách xã hội do Covid-19.
Trong những ngày giãn cách không đi làm được, Nam phải ra các cánh đồng quanh xã để mò cua, bắt ốc về cải thiện bữa cơm gia đình. Kiếm được cá thì đem bán cho người quen lấy tiền mua sữa cho con.
Lúc này, cơ thể Nam xuất hiện nhiều vết thâm đỏ, mệt mỏi, đau đầu mà anh không để ý vì tưởng dị ứng da khi lội ruộng nhiễm thuốc trừ sâu. Không ngờ sau vài ngày sốt cao, khi Nam đang chơi cùng bé Trúc Phương, anh bất ngờ ngã xuống bất tỉnh.
Cả nhà hoảng loạn đưa anh đi cấp cứu mới hay Nam bị lupus ban đỏ hệ thống, bệnh chuyển nặng đến mức biến chứng đa phủ tạng, làm tắc động mạch cảnh, gây ra cơn nhồi máu não. Bác sĩ còn phát hiện Nam bị suy thận mãn tính nặng, cơ thể suy nhược nghiêm trọng khiến bệnh tình càng nguy kịch, cơ hội cứu sống mong manh…
Trúc Ly nghẹn ngào tâm sự: “Lúc đó em hoảng loạn đến mức không còn biết gì cả. Con em mới sinh còn chưa nói rõ tiếng, chưa đi được mà chồng có mệnh hệ gì thì em biết phải làm sao? Mẹ con em sẽ sống ra sao?”.
Rất may là sau quá trình cứu chữa, Nam tỉnh lại nhưng di chứng bị liệt một nửa người bên trái, đầu óc không tỉnh táo, phải chạy thận lọc máu định kỳ. Đến cuối năm 2020, Nam được xuất viện, nhưng căn nhà nhỏ của gia đình đã bán đi để có tiền chữa trị cho anh. Cả nhà phải đi thuê trọ.
“Nhà của bố mẹ chồng em mua giấy tờ tay nên chỉ bán được 320 triệu đồng, trả nợ và chữa trị cho chồng em hết 300 triệu, chỉ còn dư 20 triệu cho chồng em chạy thận trong 2 tháng nên cả nhà phải đi thuê trọ”, Trúc Ly chia sẻ.
Sau đó, người thân thấy thương tình nên cho nhà anh Nam mượn mảnh đất nhỏ cạnh nghĩa trang để cất chòi ở tạm cho đỡ tốn tiền thuê phòng trọ. Vừa dựng xong cái chòi tôn, vách phủ bạt nhựa thì TPHCM tiến hành giãn cách xã hội từ ngày 31/5/2021.
Đừng ra đi cha ơi…
4 tháng giãn cách xã hội trong năm 2021 là 4 tháng gia đình anh Nam khó khăn không thể nào tả xiết. Cả nhà không thể đi làm, Nam vẫn phải chạy thận hàng tuần, Trúc Phương còn nhỏ hay bệnh sốt vì thiếu ăn, thiếu sữa…
Bao nhiêu chi phí không thể nào cắt bỏ mà gia đình không có thu nhập, cuộc sống càng chật vật. Chị Trúc Ly phải vay mượn khắp nơi để có tiền mua gạo, mua sữa cho Trúc Phương và cho Nam đi chạy thận.
Chị kể: “Hồi đó chồng em chạy thận mỗi tuần 2 lần, tháng tốn chừng 2-3 triệu đồng, tiền thuốc nữa là chừng 5 triệu đồng. Những ngày giãn cách, lần nào vào nhập viện cũng tốn thêm tiền test Covid-19 cho 2 vợ chồng, đi lại khó khăn nên chi phí tăng gấp đôi”.
Cho đến nay, anh Nam phải chạy thận 3 lần mỗi tuần, chi phí khoảng 6 triệu đồng mỗi tháng. Mà cả gia đình chỉ sống dựa vào tiền đi làm giúp việc của chị Ly, thu nhập chỉ 4 triệu đồng/tháng. Làm không đủ tiêu, tháng nào chị cũng phải vay nợ để có tiền mua đồ ăn cho cả nhà, chưa dám nói tới tiền sữa cho con, thuốc cho chồng…
Ly kể, nợ nần đã khổ mà cuộc sống càng khổ hơn khi anh Nam thiếu thuốc, đến lúc chạy thận mà chưa có tiền đi bệnh viện là cơ thể mệt mỏi, đau đớn rồi sinh ra cộc cằn, hay la mắng người nhà.
Bé Trúc Phương quấn cha, lúc nào cũng ôm ấp làm anh Nam rất đau. Có khi Nam quá đau đã la mắng, có lúc còn đánh bé khóc…
Vậy mà, Phương lúc nào cũng yêu mến cha. Sang nhà hàng xóm chơi được cho món gì ngon đều để dành đem về cho cha, ai cho tiền mua sữa cũng len lén đưa cho cha đi bệnh viện. Dù bị đánh, em cũng cứ ôm lấy chân cha…
Hơn một năm nay, Nam không thể nằm ngủ bình thường, phải ôm gối trong lòng, ngủ ngồi trên võng. Đêm đêm, anh bị chuột rút, đau đớn nhức mỏi toàn thân đến nỗi chàng trai to lớn năm xưa thường bất giác rên hừ hừ trong cơn mê ngủ, có khi co giật không ngừng.
Mỗi lúc thấy Nam đau đớn nằm trên võng rên hừ hừ là cô con gái nhỏ chạy lại ôm chầm lấy cha, nắn bóp chân tay cho cha mà khóc: “Cha ơi, đừng chết cha ơi…”.
Chị Trúc Ly thở dài cho hay: “2 năm nay, nhà em sống nhờ vào tiền vay nợ. Giờ không còn nơi nào để vay được rồi, đến nhà người ta chưa kịp mở miệng đã bị từ chối. Mà bệnh này vài ngày không đi chạy thận là chồng em đau đớn lắm, không tài nào chịu nổi!”.
Theo ông Đỗ Thành Như, địa phương đã vận dụng mọi chính sách để hỗ trợ gia đình Nam bớt khó khăn như xét duyệt hộ nghèo, cấp bảo hiểm y tế miễn phí, tặng quà cứu trợ khi có mạnh thường quân giúp đỡ… Tuy nhiên, chi phí chữa bệnh và chạy thận hàng tháng thì địa phương không có nguồn nào để bù vào.
Do đó, ông Như mong mỏi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ chữa trị cho Nam để giảm bớt gánh nặng cho gia đình trẻ này, để bé Trúc Phương được chăm sóc tốt hơn…
Mọi đóng góp hảo tâm giúp mã số 4514 xin gửi về:
1. Chị Lê Thị Trúc Ly (mẹ bé Trúc Phương).
Địa chỉ: ấp Phước Hưng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TPHCM.
Điện thoại: 032 573 4323