Vừa bị tai nạn mất tay thì chồng li dị, chủ tiệm hớt tóc nuốt nước mắt nuôi lớn 2 con

Trong một con hẻm nhỏ thuộc phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, TP. HCM, có một tiệm hớt tóc kỳ lạ, bà chủ tiệm chỉ có 1 tay. Chị vẫn có thể làm mọi dịch vụ thông dụng như hớt, gội, nhuộm, ép… và cả cạo râu, lấy ráy tai như một người thợ đủ hai tay.

Trước khi mất 1 tay vì tai nạn, chị Lê Thị Kim Trâm (1979) là chủ tiệm cắt tóc. Đó là nghề gia truyền nhà chị đã 3 đời, ngấm vào máu đến mức, dù phải vất vả tập luyện và trải qua nhiều biến cố, chị vẫn giữ nghề. Chị Trâm trân trọng nghề và nghề cũng không phụ, cho chị một mức thu nhập trung bình để một mình nuôi đủ hai con.

Tay vừa lành sẹo, chồng đòi ly hôn

Tôi bị tai nạn ở Đồng Nai. Đi rất chậm nhưng đường trơn, tôi té xuống, xe ben trờ tới nghiến đứt rời cánh tay trong áo. Nhưng tôi đâu có biết. Lúc được người dân đưa đi cấp cứu, tôi bị co giật dữ dội, không nghĩ là mình còn sống.

Tôi chỉ nhớ, trước khi ngất đi, cùi tay vẫn còn đặt trên bụng, nhưng buổi tối tỉnh lại thì thấy mất tay rồi. Tỉnh dậy, tôi hoảng hốt đi tìm cánh tay mình. Cảm giác tay vẫn còn đó, vẫn thấy đau như ai thít chặt lại, nhưng sự thật thì đã cưa rồi.

Hai đứa con đều phụ thuộc bàn tay mình, nhất là mình là phụ nữ phải đảm đang mọi thứ, giờ như thế này, phải làm sao đây. Tôi nghĩ vậy rồi khóc. Bác sĩ Chợ Rẫy mổ cho tôi cúi đầu an ủi, nói ông đã cố hết sức để giữ tay cho tôi mà không thể, động viên tôi chấp nhận và sống tiếp.” – chị Trâm tâm sự với một YouTuber đến thăm nhà.

Cú sốc mất tay chưa nguôi ngoai, chị lại bị cuộc đời “bồi” thêm cú nữa. Chồng chị không muốn sống với một người phụ nữ tật nguyền, mất đi bàn tay. Anh coi chị là gánh nặng và muốn ly hôn.

Họ ly thân 2 năm trước khi chính thức bước ra khỏi đời nhau. Chị Trâm vẫn nuôi hy vọng, 2 năm ấy sẽ là thời gian anh sửa sai, vì chị cần anh, con anh chị cần cha biết chừng nào. Nhưng anh vô tâm, đi biền biệt không về.

Điều khiến chị Trâm buồn tủi nhất là anh không đoái hoài gì tới con. Chị kể, nhiều khi chị phải nhờ hiệu trưởng, giáo viên trung tâm tiếng Anh của con nói giùm mình một câu để anh đưa tiền cho hai đứa đi học, nhưng cũng không được.

Anh một hai đòi ly hôn. Ngày ấy, chị nghẹn ngào dữ lắm, nhưng “người ta đã muốn rồi thì thôi, mình mở cho người ta cơ hội mới”, chị bảo vậy.

Dựa vào khách hàng mà đứng dậy

1 tháng sau khi ra viện, chị Trâm đã mon men buộc tay lại, ra tiệm tập làm quen trở lại với việc làm tóc. Trước có hai tay đã khó, nay mất một bên, chị phải mày mò, nghĩ ra các kỹ thuật thay thế để có thể làm nghề bình thường. Mất 1 năm chị mới có thể hoàn thiện tay nghề như xưa, kể cả kỹ thuật cạo viền tóc, lấy ráy tai vốn đã thách thức khi đủ hai tay.

Nhưng giai đoạn đầu, tiệm tóc vắng khách dần, vì có khách thấy chị chỉ có một tay thì bỏ đi ngay. Cũng có người chịu cho chị cắt, nhưng sau đó thì mất hút. Chị Trâm tự ti, mặc cảm và sợ ánh mắt của khách nhìn trân trối vào khoảng trống của cái tay cụt.

Nhưng cũng có những người chị xen là ân nhân, như một vị khách “ruột” của tiệm. Thấy chị lấy khăn trùm kín người, khách tò mò hỏi. Chị Trâm cũng thật thà kể về cái tay bị cưa, sẵn sàng cho việc khách có thể đứng lên bỏ về.

Ai ngờ, anh còn động viên: “Trước em cắt hai tay nhưng giờ còn một tay thì cứ cắt một tay, lấy đầu anh thực hành luôn“. Bình thường chị tốn 7 phút để cắt, bữa ấy mất gần 1 giờ, nhưng vị khách vẫn kiên nhẫn ngồi đợi. Chị tụe nhận thấy cắt xong vẫn chưa ưng, nhưng khách vui vẻ khen chị, còn giới thiệu những người bạn của mình đến tiệm của chị ủng hộ nữa. Đó là vị khách đặc biệt đã khiến chị nuôi hy vọng và niềm tin vào mình.

Rồi đến việc gội đầu, chị Trâm cũng phải tập cách dùng răng và khoang miệng ngậm vòi sen, điều chỉnh đúng chỗ. Mỗi khi gội xong, cánh tay chị thõng xuống, mỏi nhừ. Miệng cũng tê cứng lại. Nhưng chị hạnh phúc vì mình còn có ích.

Giờ thì thợ phụ của chị nghỉ hết rồi, vì khách ít, một mình chị xoay với tiệm hớt tóc. Trước lúc nghỉ, họ giúp chị lấy dao lam cắt thành những chiếc dao cạo nhỏ để chị dùng dần, vì một tay không thể cắt dao.

Nhưng dùng hết rồi, chị Trâm lại loay hoay tự xử lý. Với cái tay còn lại và hai đầu gối, chị tự lựa để cắt được dao lam, làm chủ các công cụ làm nghề. Nhiều lần cắt trúng chân, trúng tay chảy máu, chị lại có thêm kinh nghiệm xử lý để né bị thương.

Đó là cách chị Trâm đối mặt và chấp nhận khuyết tật, sống “hòa bình” với nó. Chị tự nấu cơm, mặc đồ, thậm chí còn đi được xe đạp điện một quãng ngắn, tự chăm sóc mình và các con, vì đâu thể ỷ vào cái tay bị mất mà nhờ vả người khác cả đời.

Niềm an ủi từ trẻ thơ: Con yêu thương, tự hào về mẹ

Tiệm hớt tóc của chị Trâm có tên Nghi Nghiêm, không bay bướm như tên của các tiệm hớt tóc, nhưng mang ý nghĩa đặc biệt với chị. Đó là tên ghép của hai đứa con – động lực và chỗ dựa tinh thần của chị.

Chị Trâm tiết lộ, mình từng 2 lần định quyên sinh. Đêm, đợi các con đi ngủ, chị định cầm thanh sắt đưa vào ổ điện trong nhà. Nhưng không hiểu sao con chị đều tỉnh giấc, ngăn lại trước khi chị làm điều dại dột. Đến khi ôm con vào lòng, chị mới giật mình…

Đó là thời điểm chồng chị vẫn sống chung, quá căng thẳng và đau buồn, chị nghĩ quẩn. Nhưng được con cứu, chị mới ngộ ra: “Nhớ lại cảnh người nằm dưới bánh xe tải, mình còn không chết thì sao lại phải chết vì một người đàn ông không đáng.“.

Chị Trâm khoe, con lớn của chị rất hiểu chuyện. Bé yêu thương và luôn tự hào về mẹ, về nghị lực sống của mẹ. Cậu bé thì có chút rắc rối. Có lần, chị đến trường đón con, thấy ánh mắt con ngần ngại nhìn mẹ, chị biết ý né ra, vờ như không hay biết để con không xấu hổ với bạn bè.

Cho tới một lần, thằng bé về kể lại là con bị các bạn trêu chọc suốt mấy tháng, lêu lêu vì mẹ chỉ có một tay. Rồi thằng bé khoe: “Con nói với các bạn, mẹ mình mất một cánh tay, nhưng mẹ thương mình lắm. Mẹ mình hớt tóc cũng giỏi nữa, mẹ vất vả làm việc nuôi mình. Mình tự hào về mẹ. Nếu các bạn như mẹ mình, các bạn có làm được không?”.

Lúc đó, mình vừa hạnh phúc vừa thương con. Thương thằng bé âm thầm chịu mấy tháng, mà cũng vui vì con đã hiểu chuyện, biết cách trả lời bạn. Có hai đứa con tuyệt vời như vậy, có cuộc sống tạm ổn nên mình thấy đủ rồi, lạc quan và yêu đời.” – chị Trâm tâm sự.