Vừa có lệnh bắt khẩn cấp, cha bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành có thể phải đối mặt với tội danh nào?
Hôm nay, ngày 31/12, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã ra lệnh bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, ngụ quận 1, TP.HCM) do có hành vi đồng phạm, giúp sức người tình của mình là bà Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi) hành hạ, bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm của bé N.T.V.A. (8 tuổi).
Theo nguồn tin, hiện Công an quận Bình Thạnh đã chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát phê chuẩn.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.HN) nhận định, việc cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái, là cha ruột của cháu bé bị bạo hành tử vong không phải là chuyện lạ, vấn đề này đã được nhiều luật sư đưa ra và kiến nghị trước đó.
Theo thông tin ban đầu từ phía sự việc thì người Nguyễn Võ Quỳnh Trang đánh đập cháu bé nhiều lần, nhiều ngày, để lại nhiều thương tích trên cơ thể cháu bé cho đến khi cháu bé tử vong. Cha ruột của cháu bé là người sống chung nên không thể không biết về sự việc, thậm chí có thể còn tiếp tay, giúp sức cho đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội.
Có thể kết quả điều tra đến nay, cơ quan điều tra đã có chứng cứ chứng minh người đàn ông này đã có hành vi giúp sức cho người phụ nữ đánh đập con mình đến mức tử vong. Theo quy định của pháp luật thì người giúp sức sẽ là đồng phạm trong cùng một vụ án.
Nguyễn Võ Quỳnh Trang tại hiện trường vụ việc.
Ngoài ra, theo luật sư Cường, nếu ông Thái biết rõ hành vi của bà Trang đã đánh đập, hành hạ bé V.A. từ lâu thì có thể bị xử hình sự tội “không tố giác tội phạm ” với khung hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 390 Bộ luật hình sự 2015).
Ông Thái cũng có thể bị truy tố “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” nếu trường hợp ông Thái phát hiện hành vi của bà Trang hành hạ, đánh đập bị thương tích dẫn đến bé V.A. nguy kịch.
Nguyễn Kim Trung Thái
Với tội danh này, ông Thái có thể đối diện bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (Điều 132 Bộ luật hình sự 2015).
Ngoài hành vi giúp sức để đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ trong các vết thương để lại trên cơ thể nạn nhân, có vết thương nào do chính người bố trực tiếp thực hiện hành vi gây ra hay không, vết thương đó có phải là nguyên nhân dẫn đến cháu bé tử vong hay không để xác định người cha này còn có vai trò là người thực hành – trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội hay không.
Luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật thì đồng phạm trong vụ án hình sự có thể thể hiện ở các vai trò khác nhau nhưng người khởi xướng, người thực hành, người giúp sức và người xúi giục, tất cả các hành vi khởi xướng, chủ mưu, thực hành, xúi giục đều được xác định là đồng phạm, cùng bị xử lý về một tội phạm.
Đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái
Luật sư cho rằng, vấn đề quan trọng trong vụ án này là cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng sát thương của hung khí mà các đối tượng này sử dụng, tư thế, động tác và hành vi gây thương tích cụ thể diễn ra như thế nào. Đồng thời xác định nhận thức, ý thức chủ quan của đối tượng đã thực hiện hành vi đánh cháu bé như thế nào. Mối quan hệ giữa hành vi đánh đập với hậu quả cháu bé tử vong có mối quan hệ nhân quả như thế nào để xác định yếu tố lỗi trong hành vi vi phạm pháp luật.
Đến nay, kết luận của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chết là do phù phổi cấp, về các vết thương bầm tím gây ra. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai gây ra những vết thương này, vì sao cháu bé lại bị tổn thương ở phổi như vậy. Thông thường, hành vi người lớn dùng hung khí nguy hiểm như gậy gỗ để đánh vào phần lưng của cháu bé 8 tuổi chưa có khả năng tự vệ thì có thể sẽ gây ra tổn thương ở phổi, có thể dẫn đến tử vong. Bởi vậy, trường hợp kết quả điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được rằng hành vi có thể gây ra thương tích cho nạn nhân nhưng cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì sẽ chuyển tội danh sang tội cố ý gây thương tích theo điều 134 bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài được quy định tại khoản 4, điều 134 bộ luật hình sự (Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người).
Bé V.A. bị bạo hành đến tử vong thương tâm
Còn trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng sử dụng gậy gỗ đánh vào lưng của cháu bé, tại thời điểm thực hiện hành vi đánh người, đối tượng nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, thực tế cháu bé đã tử vong thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố người đã đánh cho bé về tội giết người theo khoản 1, điều 123 bộ luật hình sự năm 2015 với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hènVới khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
- Vụ người dân kéo đến nhà ông bà nội bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành để tưởng niệm: Gây rối vẫn bị xử lý theo pháp luật
- Vụ mẹ kế bạo hành tử vong bé gái 8 tuổi ở TP.HCM: Khởi tố tội danh kịch khung 3 năm tù là quá nhẹ?
- Từ vụ bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành tử vong: Chồng cũ không cho gặp con sau khi ly hôn thì phải làm sao?
Tiến sĩ luật nhận định, trong vụ án này, hung khí gây án có kích thước như thế nào, tư thế động tác và lực đánh như thế nào, nhận thức ý thức chủ quan của đối tượng thực hiện hành vi đánh người như thế nào là những yếu tố rất quan trọng để xác định hành vi là cố ý gây thương tích hay giết người.
Hành vi đánh đập cháu bé tàn nhẫn đến chết, tra tấn như thời trung cổ như vậy không thể xử lý vào tội hành hạ người khác theo điều 140 bộ luật hình sự được mà phải xử lý về tội cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người) hoặc tội giết người mới phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi nguy hiểm và phù hợp với hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ quá trình hành hạ, đánh đập cháu bé, việc sử dụng roi mây, gậy gỗ được thực hiện như thế nào, những vết thương trên cơ thể cháu là do hung khí nào gây ra, đối tượng nào thực hiện hành vi. Nhận thức, ý thức của đối tượng thực hiện hành vi đánh đập cho bé như thế nào.
Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được hành vi có thể gây ra thương tích hoặc có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ chuyển tội danh.
https://afamily.vn/vua-co-lenh-bat-khan-cap-cha-be-gai-8-tuoi-bi-me-ke-bao-hanh-co-the-phai-doi-mat-voi-toi-danh-nao-20211231114351125.chn Bảng điểm của bé gái 8 tuổi ở TP.HCM lột trần sự dối trá của mẹ kế: Đánh bé vì chậm hiểu ư?