Xóm nhà lá Sài Gòn hiu quạnh ngày cận Tết: 'Vì hoàn cảnh chứ đâu muốn'
Không có tiền để cùng 4 đứa cháu nội về quê đón Tết, bà Thạnh buộc lòng ở lại Sài Gòn, sống nhờ vào đống ve chai lượm được.
17h chiều, cơn mưa nặng hạt trút xuống mái hiên nhà trọ, bà Phạm Thị Thạnh (63 tuổi, quê Quảng Ngãi) lúi húi gom lại đống giấy lộn cho khỏi ướt. Chốc chốc, bà hướng mắt về phía đầu lộ, nhìn dòng người lỉnh kỉnh đồ đạc về quê, buồn bã.
Tiền đâu mà về quê
Vào Sài Gòn được 2 năm cũng là 2 năm dịch bệnh bùng phát, bà Thạnh cùng 5 đứa cháu nội sống lay lắt bằng nghề lượm ve chai, phụ giúp việc vặt cho người khác.
Năm ngoái, 25 Tết bà Thạnh bắt xe về Quảng Ngãi để t.ả.o m.ộ, thờ cúng ông bà rồi vô lại. Nhưng mà năm nay, vì không có tiền bạc, vé xe đò đắt đỏ, 5 bà cháu không còn sự lựa chọn nào khác, đành ở lại Sài Gòn.
“Khổ thì khổ nhưng năm nào bà cũng về, nhưng mà năm nay không có cách nào nữa. Từ hồi không bỏ cha bỏ mẹ, năm nay bỏ một năm…”, bà Thạnh chua chát.
Theo bà Thạnh, vì cả 4 đứa cháu nội từ nhỏ mẹ đã bỏ đi, cha cũng lập gia đình khác nên một mình bà phải đứng ra chăm sóc. Đứa lớn nhất năm nay đã 16 tuổi, nhỏ cũng lên 12, vì hoàn cảnh, tụi nhỏ học đến lớp 4 rồi nghỉ, theo bà vào Sài Gòn sinh sống.
“Bà đi lượm ve chai ở quận 10, khoảng 18h tối đi, đến 2-3h sáng hôm sau mới đi về. Không về quê được, buồn lắm chứ, nhưng vì hoàn cảnh chứ bà đâu muốn. Đêm nào đi làm về ngủ, bà cũng rớt nước mắt, tụi nhỏ giờ không còn cha mẹ, một mình bà nội già yếu, đâu có làm gì được”, bà Thạnh nghẹn ngào.
Cũng giống như bà Thạnh, cái xóm nho nhỏ, xập xệ nằm ven đại lộ Võ Văn Kiệt trở thành trạm dừng chân của rất nhiều người lao động chân tay. Mỗi người một công việc, từ l.ộ.t hành tỏi, bán hàng rong, vé số, ve chai…, ai cũng cố gắng bám trụ lại với Sài Gòn. Nhưng năm nay, xóm nhỏ bỗng trở nên hiu quạnh hơn, mùi hành tỏi cũng chẳng còn cay nồng như trước.
Hết hành, hết tỏi, người nghèo mòn mỏi đợi việc
Nếu như năm ngoái, ngày cận Tết, xóm hành tỏi nhộn nhịp người qua lại, ai nấy đều vui vẻ vì việc làm không xuể thì năm nay, cái xóm nhỏ vắng lặng lạ thường.
Trải qua đợt dịch Covid-19 k.h.ủ.n.g k.h.i.ế.p ở Sài Gòn, những người làm hành tỏi trước đây đều đã về quê, chỉ còn lại số ít cố gắng bám trụ với công việc. Tuy nhiên, lại không có công việc để làm.
Ngồi một góc sau nhà trọ, chị Cao Thị Kim Loan (28 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cho biết năm ngoái, mọi người ở lại lựa hành tỏi vui lắm, năm nay chả còn ai.
“Đợt dịch vừa rồi mọi người về hết, Tết nhất đến nơi mà việc không có để làm, sáng giờ em chỉ làm được khoảng 70 ngàn thôi, hết việc rồi”, chị Loan ngậm ngùi, nói tiếp.
“Em tính không về quê, nhưng bà già chồng điện thoại lên khóc, bả bảo khổ cỡ nào cũng phải về, chắc 28 Tết, chồng em được nghỉ ở công ty rồi đi xe máy về”.
Theo chị Loan, vì có con nhỏ nên chị chỉ biết lấy nghề l.ộ.t hành tỏi để kiếm sống qua ngày. So với năm ngoái, hành tỏi năm nay không có khiến người lao động như chị điêu đứng, không còn khả năng sắm sửa, chuẩn bị Tết.
“Em khổ muốn ch*t có tiền đâu, hành làm ngày có ngày không, giờ chị đợi chồng làm xong, gom góp để về quê thôi”, chị Loan nói.
Ẵm đứa con trai nhỏ vào lòng, chị Ngô Thị Bảo Nhi (23 tuổi) cho biết năm nay, cả gia đình chị quyết định ở lại Sài Gòn ăn Tết vì hết tiền.
“Năm ngoái thì về năm nay chắc em không về quá, năm nay không có tiền. Cuối năm gia đình xảy ra biến cố nhiều quá nên giờ đành ở lại Sài Gòn. Thằng cu con cũng chưa có đồ Tết luôn, em tính đợi vài bữa nữa, cha nó lãnh lương rồi mới đi sắm, em cũng chả có hành tỏi để l.ộ.t nữa”, chị Nhi nói.
Ngồi bên cạnh mẹ, Mai Anh Tú (3 tuổi) đòi mẹ mua quần áo mới, cậu nhóc bụ bẫm thích đủ thứ kẹo bánh, đồ chơi nhưng mẹ lại không có tiền.
Giống như bao người khác ở xóm lao động nghèo, đợt dịch Covid-19 khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh điêu đứng, về quê cũng không được mà ở cũng chẳng xong.
Hướng mắt về phía trước, Thiện (12 tuổi) thỏ thẻ: “Con không về quê, con ở đây phụ bà Năm l.ộ.t hành, kiếm tiền lo Tết…”.
Mong rằng sang năm mới, xóm nhà lá lại đông vui như trước, bà con không chịu cảnh thất nghiệp, thiếu thốn nữa, rồi ai cũng được hạnh phúc, bình an, có một cái Tết cho riêng mình..