Ẩn số sau điểm check-in mới "chất như nước cất" tại Nam Phú Quốc
Năm 2008, khu phố cổ 200 năm tuổi George Town của Penang trở thành Di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Thời điểm đó, chính quyền bang Penang nhận định rằng họ cần làm nhiều hơn là chỉ treo biển “Di sản” lên và đón khách.
Ngay trong năm tiếp theo, Penang tổ chức thi trang trí lại George Town. Năm 2012, Penang quyết định đi xa hơn: họ chỉ định nghệ sĩ Ernest Zacharevic vẽ một loạt tranh tường lên các tòa nhà cổ tại George Town. Penang từ một “điểm đến” trở thành một “biểu tượng du lịch”.
Những tòa nhà biết nói
Nếu có hình ảnh nào ngoài tháp đôi Petronas giúp người ta nhận ra đây là Malaysia chứ không phải nơi nào khác, đó sẽ là bức tranh hai đứa bé (trên chiếc xe đạp thật) của Ernest Zacharevic ở Penang.
Mỗi năm có hàng triệu du khách đổ đến George Town để tương tác với… các bức tường. Họ tạo dáng cùng hai đứa trẻ trên xích đu, Mr. Bean đi xe đạp, Lý Tiểu Long đá con mèo… Hàng chục triệu bức ảnh được tạo ra, và tất nhiên mang tới hàng trăm triệu USD cho du lịch Malaysia.
Nghệ thuật đường phố, các bức vẽ nơi công cộng từng một thời bị coi là hành vi phá hoại công trình, giờ đang góp phần tăng giá bất động sản khắp nơi trên thế giới. Theo Forbes, rất nhiều bất động sản tại New York tăng giá chóng mặt nhờ… tranh tường. Một tòa nhà ở khu Chelsea, New York đã tăng từ 880.000 USD lên hơn 2 triệu USD, với 2 bức tranh tường của họa sĩ Eduardo Kobra.
“Mỗi khung cảnh có tính cách riêng, văn hóa riêng và câu chuyện riêng”, Ernest Zacharevic – người họa sĩ đã tạo ra huyền thoại George Town tâm sự – “Trên đường phố, tôi dành nhiều thời gian chiêm nghiệm bức tường, qua lại nó nhiều lần và ngẫm nghĩ xem điều gì thuộc về nơi này và nó sẽ tương tác với xung quanh như thế nào”.
Đó cũng là điều mà đội ngũ sáng tạo của tập đoàn Sun Group tư duy khi thiết kế dự án tranh tường tại Sun Premier Village Primavera – thị trấn “Địa Trung Hải” trứ danh ở Nam Phú Quốc. Làm thế nào để tạo ra một biểu tượng mới của du lịch Việt Nam thông qua nghệ thuật đường phố?
Nghệ thuật đường phố ở Bến cảng phồn hoa
Đội ngũ thiết kế của Sun Group quyết định trả lời câu hỏi “thế nào là nghệ thuật” bằng một tiên đề cơ bản: các tác phẩm phải tương tác với không gian xung quanh. Chúng phải được sáng tạo ngay trong không gian mình sẽ tồn tại, chứ không phải là một sản phẩm đồ họa được thiết kế sẵn và cứ thế ốp lên tường.
Những cảm hứng đến liên tục và dường như tự phát.
Ở đây là một cô gái, với gương mặt giống như trong tác phẩm “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của Vermeer – nhưng lại đang tưới tắm tình yêu cho một gốc cây có thật.
Ở một góc khác, thần Cupid đâm đầu lún tường (có lẽ vì mải tìm mục tiêu tiếp theo).
Và người ta có thể gặp bố cục của tranh Đông Hồ ở bức tường nhiều tòa nhà. Như trên bức “Hái dừa” là Hulk, Iron Man, Spiderman đang hái dừa cho… Wonder Woman. Trong bức “Vinh hoa”, em bé ôm gà được thay bằng Doctor Strange ôm gà. Trong bức “Đánh ghen”, gương mặt của người tham gia vào cuộc đánh ghen đã được thay thế bằng gương mặt lập thể của Picasso – đại danh họa có đời sống phong lưu với rất nhiều người tình. Chưa hết, những người xem đánh ghen trong “bức tranh Đông Hồ” này còn đang cầm điện thoại quay lại – một khung cảnh quen thuộc của thế kỷ 21.
Nhưng những bức tranh tưởng như tự phát này thực chất là sản phẩm của quá trình tư duy về chính tính cách của “ngôi làng Địa Trung Hải” Sun Premier Village Primavera.
“Thị trấn Địa Trung Hải” Sun Premier Village Primavera, nơi Sun Group tạo nên các tác phẩm tranh tường độc đáo
Hơn cả một dự án bất động sản cao cấp hấp dẫn, Sun Premier Village Primavera được định hình là một điểm đến quốc tế – với lượng khách du lịch quốc tế dự kiến lên đến hàng triệu lượt sẽ đổ tới Phú Quốc mỗi năm. Đó là nơi giao thoa giữa sự náo động và bình yên, giữa tự nhiên và cuộc sống con người, giữa hoạt động giải trí, thương mại và cả giáo dục. Và Sun Group còn quyết định đó sẽ là nơi giao thoa của văn hóa phương Đông và phương Tây, của nghệ thuật và thiên nhiên trác tuyệt, một “Bến cảng phồn hoa” của Phú Quốc.
Đó là lý do mà trong một bức tranh tường, ta gặp Spiderman (phương Tây, giải trí, náo nhiệt) leo lên cây dừa của tranh Đông Hồ (phương Đông, tĩnh lặng). Hàng triệu vị khách sẽ check-in cùng bức tranh ấy, và có ý niệm về văn hóa Việt Nam.
Ở một góc khác, ngược lại, những nghệ sĩ quyết định vẽ các chú mục đồng Việt Nam ngồi trên một chiếc bàn dài, theo bố cục của bức “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo Da Vinci. Sự hóm hỉnh đi kèm với lời giới thiệu nhẹ nhàng về văn hóa Việt Nam.
Các tác phẩm còn tương tác với không gian xung quanh, và với chính những du khách sẽ tản bộ trên các con đường lát đá của Primavera. Trên hai tòa nhà, các nghệ sĩ vẽ hai cánh tay khổng lồ. Một cánh tay gợi nhớ đến cánh tay của Chúa trời trong bức Chúa tạo ra Adam của Michelangelo. Nhưng cánh tay kia, không phải là của Adam, mà là một cánh tay robot. Một ẩn dụ về thời đại. Hai cánh tay trên hai tòa nhà sẽ kéo gần về phía nhau theo góc nhìn, khi du khách đi bộ trên đường.
Trong tác phẩm tranh tường lớn nhất, Mỵ Châu ngồi trên lưng ngựa của An Dương Vương, chạy ra từ một portal (cổng không gian dịch chuyển tức thời – một sản phẩm của trí tưởng tượng), ở tòa nhà gần đó là quân của cha con Triệu Đà – Trọng Thủy đang đuổi theo, và những chiếc lông ngỗng bay khắp các tòa nhà. Truyền thuyết đã được thể hiện lại cho phù hợp với tính cách của không gian: ở gần đó, hàng đêm, du khách sẽ theo dõi một show thực cảnh viễn tưởng với chủ đề du hành không gian.
Nhưng đâu đó, vẫn là những tác phẩm giản dị, chỉ đơn giản là làm cho không gian sinh động hơn, như cái cách Ernest Zacharevic đã làm với hai đứa bé trên xe đạp tại Penang. Một chàng trai tỏ tình với cô gái dưới ban công. Thần Cupid bắn cung tên xuống người đi đường – nơi dự kiến sẽ được nhiều đôi tình nhân chụp ảnh.
Còn giá trị nào nữa cho những tác phẩm nghệ thuật đường phố ở Primavera? “Chúng khiến du khách hứng thú hơn. Và làm gia tăng giá trị bất động sản”, các nhà thiết kế của Sun Group nói. Và có lẽ, giới nghệ thuật thế giới hẳn sẽ đồng ý với điều này.