Bài toán: Chia 10 quả chuối cho 10 chú khỉ, mà vẫn còn 1 quả trong rổ?
Bài toán tiểu học mới nghe thì vô cùng phi lý nhưng đọc câu trả lời thì ai nấy đều bị thuyết phục vì dễ quá.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội Weibo từng đăng tải và lan truyền một câu hỏi thi toán được cho là của học sinh tiểu học lớp 2. Sau khi đọc xong bài toán, rất nhiều cư dân mạng người lớn cũng thấy bối rối và cảm thấy không biết phải bắt đầu như thế nào.
Câu hỏi cô giáo đưa ra cho học trò mình như sau: Tổng cộng có 10 quả chuối ở trong rổ. Chia 10 quả chuối cho 10 chú khỉ, mỗi chú khỉ đều được 1 quả. Làm cách nào để cuối cùng vẫn có một quả chuối ở trong rổ?
Đề bài dường như đã đưa ra một yêu cầu rất bất khả thi. Thế nhưng điều khiến bài toán trở nên viral đó là những câu trả lời vô cùng sáng tạo, thú vị từ các em học sinh lớp 2:
“Em sẽ ép chuối thành nước ép và chia đều cho các chú khỉ”.
“Chia quả chuối lớn nhất, dài nhất làm đôi cho 2 chú khỉ, có như vậy chúng ta mới dư lại một quả được. Đây là cách công bằng nhất rồi”.
“Để 9 quả chuối ở đó và để đàn khỉ tự chia nhau ăn, còn chúng ta giữ lại một quả trong rổ là hoàn thành yêu cầu”.
Điều khiến cư dân mạng thích thú là với mỗi câu trả lời sáng tạo, kể cả không đáp ứng được yêu cầu đề bài là có 1 quả chuối trong rổ thì cô giáo vẫn cho điểm. Thế nhưng chỉ có duy nhất một câu trả lời đúng được cô tích đúng và công nhận là đáp án chính xác, đó là: “Chia đều 10 quả chuối cho 10 chú khỉ như bình thường rồi đưa chú khỉ cuối cùng cầm cả cái rổ”.
Câu đố nghe thì có vẻ phi lý hóa ra lại có đáp án cực kỳ đơn giản nhưng không phải ai cũng suy luận ra được. Vì đề bài chỉ yêu cầu kết quả cuối cùng là chia xong vẫn có 1 quả chuối nằm trong rổ là được nhưng hầu hết đều suy nghĩ theo lối mòn là quả chuối phải nằm trong tay người chia.
Thế nhưng bên cạnh những lời khen sáng tạo, giúp kích thích trí thông minh cho trẻ thì bài toán cũng vấp phải một số ý kiến chỉ trích. Thầy giáo Hồ Khánh – giáo viên dạy toán tại một trường tiểu học ở Trùng Khánh, Trung Quốc đưa ra nhận xét: “Những câu hỏi thế này không nên xuất hiện trong giảng dạy bình thường và không liên quan đến kiến thức chuyên môn về toán học. Nó sẽ phù hợp hơn khi là một câu đố vui ngoài giờ học”.!.