Cha đ.ột t.ử, trên xe vẫn còn treo hộp cơm mua cho con bị t.âm th.ần
Trong đám tang của cha là ông Hồ Ngọc Hải (62 tuổi), Tí (28 tuổi) vẫn ngồi ngẩn ngơ, ngân nga câu hát…
Anh Tí, con trai ông Hồ Ngọc Hải
28 tuổi, Tí vẫn là đứa trẻ
“Ông Hải mất, không biết thằng Tí sẽ sống ra sao nữa…”
Trong tang lễ của ông Hồ Ngọc Hải (62 tuổi) vào tối ngày 16/3, có những giọt nước mắt lăn dài, có cả những câu hỏi không lời đáp như thế.
Ông Hải (hay còn gọi là ông Ba) chạy xe ôm tại khu đô thị Đại học Quốc gia (TP. Thủ Đức). Ông được nhiều sinh viên tại đây yêu mến bởi sự thật thà, chất phác.
Khoảng 6 giờ 30 sáng ngày 16/3, người dân đã phát hiện thi thể ông Hải tại khu rừng tràm nơi ông dựng chòi. Theo thông tin ban đầu, ông đột t.ử ngay trên chiếc ghế mà ông vẫn thường hay nằm mỗi ngày, trên xe máy vẫn còn treo hộp cơm đầy thức ăn dành cho đứa con trai bị tâm thần.
Sau khi nhận được tin báo, ông Nguyễn Văn Minh (57 tuổi), hay còn gọi là “hiệp sĩ Minh cô đơn” đã tức tốc quay về. Ông Hải và ông Minh đã bầu bạn với nhau tại làng Đại học ngót nghét chục năm.
Tang lễ ông Hải diễn ra vào tối ngày 16/3
“Hoàn cảnh ông Hải rất đáng thương. Vợ mất hơn 20 năm, ông khăn gói từ miền Tây lên TP.HCM sinh sống. Vài năm trước, con trai lớn của ông ấy chết, ông Hải và Tí (đứa con trai sau) sống côi cút, tội nghiệp lắm”, ông Minh nghẹn ngào.
Trước đây, Tí đi làm phụ hồ thì gặp tai nạn lao động. Anh ngã từ trên cao xuống, đầu đập vào đất nên tâm thần không ổn định từ đó.
Ở tuổi 28 tuổi, Tí ngẩn ngẩn ngơ ngơ hệt như một đứa trẻ. Trời nắng gắt, Tí vẫn ngồi ngoài sân. Những lúc lên cơn, Tí đánh và rượt ông Hải chạy khắp nơi. Thấy vậy ông bèn dựng chòi cho con ở tạm, phần mình ngủ ở sân nhà người em gái cách đó vài bước chân. Khu vực hai cha con sinh sống vẫn không có điện, nước để sinh hoạt. Ông vừa là cha, vừa là mẹ, che chở cho con.
Con ngẩn ngơ trong đám tang cha
“Ngày chưa có xe ôm công nghệ, ông Hải chạy xe có thu nhập ổn. Nhưng hiện tại, sinh viên không lựa chọn xe ôm truyền thống nhiều nữa. Ròng rã cả ngày, ông ấy kiếm được 30.000-40.000 đồng, tất cả đều mua cơm cho con. Phần ổng thì đi xin cơm mạnh thường quân để ăn qua ngày”, ông Minh nói.
Cứ như vậy, hai cha con đùm bọc nhau sống qua ngày, ai cho quà bánh ông Hải đều mang về cho Tí. Khi ông Hải qua đời, trên xe vẫn còn hộp cơm chưa kịp đưa cho con trai. Trưa ngày 16/3, ông Minh đã liên hệ với đội mai táng 0 đồng để lo cho bạn một lễ tang tươm tất.
Tại tang lễ, Tí vẫn ngẩn ngơ ngồi trong góc nhà, thi thoảng ngân nga vài câu hát. Anh vẫn chưa hay biết rằng, mình đã trở thành người mồ côi.
“Trước đó, tôi thấy xe ông Hải hư hoài bèn gom góp tiền được 9 triệu đồng, tặng ông ấy mua chiếc xe Nhật để hành nghề. Ông ấy đi rồi tôi buồn lắm. Giờ băn khoăn lớn nhất là không biết ai sẽ lo cho Tí đây. Hiện tại, nó vẫn còn bà con ở TP.HCM nhưng tất cả đều nghèo, phải bươn chải và dãi dầu từ sáng đến tôi. Người cô ruột hiện đã đưa bà nội về quê chăm sóc”, ông Minh nói.
Hôm nay là đám tang của ba nó, mọi người còn có mặt đông đủ. Nhưng ngày mai, ngày mốt, khi thi thể của ông Hải được đưa đi hỏa thiêu, sẽ chỉ còn lại Tí trong căn chòi đó. Ai sẽ mua cơm cho Tí ăn, ai sẽ lôi anh vào nhà khi trời nắng như búa bổ, ai sẽ lau mát cho anh khi cơn sốt hầm hập kéo đến? Câu hỏi đó, vẫn chưa có lời đáp.