Con sinh ra không có hậu môn, bác sĩ nhìn sản phụ lắc đầu

Trong khi bà mẹ này còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bác sĩ đã nói câu này. Nhìn qua chồng, cô thấy anh đang ngồi khóc ở một góc.

Là cha mẹ, ai lại chẳng mong con mình sinh ra được lành lặn và khỏe mạnh. Do đó, các bác sĩ đều yêu cầu thai phụ đi khám thai đầy đủ, đúng định kỳ nhằm tầm soát được các dị tật có thể xảy ra ở thai nhi từ đó họ sẽ có lời khuyên dành cho gia đình bệnh nhân. Song, trong mắt của nhiều ông chồng, khám thai lại là việc gây lãng phí và mất thời gian nhất, vì vậy có một số trường hợp con chào đời mà bố không dám nhìn vì hối hận.

3 năm trước, Tiểu Ly (28 tuổi, sống ở Sơn Đông, Trung Quốc) đã hạ sinh cho chồng một tiểu công chúa xinh đẹp, đáng yêu và thông minh. Kinh tế gia đình không mấy dư dả khi cả hai vợ chồng cô chỉ là nhân viên văn phòng bình thường, cho nên Tiểu Ly không muốn sinh thêm con mà muốn tập trung toàn lực để chăm lo cho con gái những thứ tốt nhất.

Song, bố mẹ chồng, họ hàng và bạn bè lại khuyên Tiểu Ly còn trẻ nên sinh thêm con thứ 2, con gái cũng đỡ buồn vì có chị có em. Do đó, vợ chồng cô liền bàn tính và vui vẻ chuẩn bị mang thai lần 2.

Vừa chào đời, con trai của Tiểu Ly đã phải chịu đau đớn khi tiếp tục bước vào ca phẫu thuật mở hậu môn (Ảnh minh họa).

Chẳng bao lâu sau, Tiểu Ly có “tin vui”. May mắn là trong quá trình mang thai cả mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh nên mẹ bầu này không có nhiều lo lắng. Tuy nhiên, sau khi em bé chào đời, bác sĩ đã ngay lập tức chuyển con qua khoa nhi để làm phẫu thuật. Tiểu Ly ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, cô nhìn chồng nhưng anh đang ngồi khóc ở một góc phòng. Thấy vậy, bác sĩ liền giải thích: “Em bé không có hậu môn mà tất cả đều là lỗi tại chồng cô”.

Hóa ra trong lần khám thai ở tuần thứ 25, bác sĩ phát hiện có một cái bóng mờ trên bụng của thai nhi nên nghi ngờ có em bé có sự phát triển bất thường. Vì vậy đã đề nghị thai phụ làm xét nghiệm chọc dò nước ối để kiểm tra kỹ và có phương hướng kịp thời. Thế nhưng, chồng của Tiểu Ly lại cho rằng đứa đầu không sao thì đứa thứ 2 sao phải lo lắng. Vì thế, anh cương quyết không cho vợ đi chọc dò nước ối vì vừa tốn tiền vừa có rủi ro gây sảy thai.

Nhưng điều anh không ngờ rằng chẩn đoán của bác sĩ đã đúng. Con anh không có hậu môn khi sinh ra và cần phải can thiệp phẫu thuật ngay lập tức. Nghe bác sĩ thông báo tình hình của con, chồng của Tiểu Ly chỉ biết ôm đầu khóc trong hối hận.

Nghe bác sĩ thông báo tình hình của con, chồng của Tiểu Ly khóc trong hối hận (Ảnh minh họa).

Theo bác sĩ, khám thai là một việc quan trọng mà các mẹ bầu cần tuân thủ đầy đủ và đúng định kỳ. Đừng vì tiếc một chút tiền hay thời gian đi khám thai mà sau này phải ôm hối hận như chồng của sản phụ Tiểu Ly như câu chuyện trên. Vì khám thai mang đến 5 lợi ích to lớn sau đây:

1. Ghi lại quá trình mang thai một cách chính xác giúp quá trình sinh nở được an toàn

Khám thai không chỉ cho các bác sĩ biết về sự phát triển của thai nhi mà còn giúp họ dự đoán được các tình huống tiềm năng có thể xảy ra từ đó tìm các phương án để hạn chế các tình huống đó. Đồng thời, trong quá trình khám thai, bác sĩ sẽ giải đáp các thắc mắc lo lắng của mẹ bầu, thông báo trước các tình huống tiềm năng có thể xảy ra để thai phụ và gia đình biết cách phòng tránh hoặc chuẩn bị trước.

2. Giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ và khuyết tật ở thai nhi

Các vấn đề như tiểu đường, huyết áp cao, tiền sản giật… hoàn toàn có thể được dự đoán trước thông qua quá trình khám thai. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các lời khuyên để mẹ bầu phòng tránh và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.

Ngoài ra, khám thai đúng định kỳ còn giúp bác sĩ tầm soát được các bất thường ở thai nhi như bệnh Down, dị tật bẩm sinh ở tim, não, tứ chi…

3. Tư vấn mẹ bầu tiêm phòng đầy đủ

Trong quá trình mang thai, các tế bào bạch cầu của người mẹ đóng vai trò là tuyến bảo vệ đầu tiên cho thai nhi. Vì vậy, nếu được bác sĩ tư vấn trước nên tiêm những loại vắc xin nào để phòng tránh một số bệnh trong khi bầu bí thì sức khỏe mẹ bầu và thai nhi sẽ được bảo vệ tốt hơn.

4. Đưa lời khuyên dinh dưỡng chính xác

Chế độ ăn uống của mẹ bầu cần có những thay đổi tùy theo từng giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của em bé. Do đó, trong lúc khám thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn về chế độ ăn uống bao gồm ăn bao nhiêu, nên và không nên ăn gì.

5. Theo dõi sự phát triển của em bé

Sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ là một chỉ báo tốt về sức khỏe của chúng. Trong các cuộc hẹn khám thai, bác sĩ sẽ kiểm tra tốc độ phát triển của em. Dựa vào đó, họ sẽ đưa ra một số lời khuyên cần thiết cho các mẹ bầu nếu em bé chậm lớn hay lớn quá nhanh.