Đừng chăm chăm xông sả chanh, đây mới là 2 cách xông giúp F0 đào thải nhanh virus, sớm bình phục, ngừa di chứng
Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ cần dùng chanh, sả, gừng hoặc kết hợp các loại thảo dược khác để xông mũi họng phòng COVID-19. Tuy nhiên, cách xông này lại chưa chuẩn theo phương pháp Bộ Y tế hướng dẫn.
Trong bối cảnh F0 đang tăng chóng mặt từng ngày, nhất là ở khu vực phía Bắc. Việc người người nhà nhà F0 đã không còn xa lạ.
Khi F0 cách ly, điều trị tại nhà, bên cạnh các loại thuốc được dùng theo chỉ dẫn thì việc xông họng rất được chú trọng. Gần như 100% F0 dều tự chuẩn bị nước để xông mỗi ngày.
Theo hướng dẫn, các loại thảo dược dễ tìm và được sử dụng nhiều nhất là chanh, sả, gừng… Cụ thể, các thảo dược này sau khi được rửa sạch, đun sôi thì người mắc COVID-19 hoặc nghi mắc sẽ trùm khăn (hoặc một tấm vải) lên đầu, rồi xông trực tiếp vào vùng mũi họng.
Việc làm này được cho là giúp thông thoáng đường thở, ức chế được virus và phòng chống rất tốt COVID-19. Tuy nhiên, đây lại không phải là phương pháp chính thống, thậm chí đã có trường hợp gặp tai nạn (bỏng) khi áp dụng cách này.
Trong “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược học cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19” do Bộ Y tế ban hành, không hề có phương pháp phòng COVID-19 như đã nói trên. Theo hướng dẫn này, Bộ Y tế cho rằng, trong y học cổ truyền, tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp trên, giai đoạn đầu tập trung chủ yếu ở vùng mũi họng.
Do vậy, việc sử dụng một số phương pháp y học cổ truyền kết hợp với các phương pháp phòng bệnh khác theo quy định sẽ giúp hạn chế lây nhiễm và phòng ngừa bệnh.
Tại mục Phòng bệnh trong Hướng dẫn trên, Bộ Y tế hướng dẫn 2 phương pháp xông để phòng COVID-19. Cụ thể:
Phương pháp 1
– Nguyên liệu: Hoắc hương, Sả, Chanh, Bạc hà, Húng quế, Gừng, Tỏi, lá Bưởi, Kinh giới, Tía tô, Tràm gió…
– Liều dùng, cách dùng: Có thể dùng 1 loại dược liệu hoặc phối hợp nhiều loại dược liệu, mỗi loại 200g-400g, tuỳ theo diện tích phòng. Cho dược liệu vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp nồi, đun sôi lăn tăn, mở nắp để hơi nước bão hoà tinh dầu khuyếch tán ra không gian phòng, tiếp tục đun sôi nhỏ thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Ngày làm hai lần, sáng và chiều.
Phương pháp 2
– Nguyên liệu: Sử dụng tinh dầu Hoắc hương, Sả, Chanh, Bạc hà, Hương nhu, Bưởi, Tràm, Quế… được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành.
– Liều dùng, cách dùng: Tuỳ theo diện tích phòng (10 – 40m2) lấy lượng tinh dầu phù hợp (2 – 4ml), hoà tan tinh dầu trong ethanol 75%, lắc đều, cho vào bình xịt phun sương, xịt quanh phòng, đóng cửa phòng khoảng 20 phút, ngày xịt 2 đến 3 lần.
Bộ Y tế cũng lưu ý, không được xông trực tiếp vào người. Không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 39 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.
Liên quan đến vấn đề này, tiến sĩ Bùi Lê Minh – Trưởng Ngành Công nghệ sinh học (Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, ĐH Nguyễn Tất Thành) cho biết, việc xông chanh, sả, gừng mà mọi người truyền tai nhau có những mặt trái nhiều hơn là lợi ích nó mang lại.
TS Minh chi ra các nguy cơ đó là dễ bị bỏng, tai nạn khi xông hơi, đặc biệt nguy cơ tổn thương biểu mô đường hô hấp, thậm chí là có cả nguy cơ làm phát tán virus chứ không phòng được virus.
Theo đó, việc xông hơi trong gia đình có cả người chưa mắc virus, đặc biệt là không gian nhỏ có nguy cơ làm phát tán virus ra môi trường xung quanh và bám trên các bề mặt và tăng cơ hội lây lan của virus.
Do đó, việc xông hơi trực tiếp vào mũi họng cần được cân nhắc kỹ và phải làm đúng, nên tránh khi nhà mới có người nhiễm virus, còn khi đã âm tính cả rồi thì có thể thực hiện để cải thiện các triệu chứng kéo dài.