Hết ca làm ngồi bấm điện thoại, y tá thực tập bị "đăng lên mạng"
Muốn lấy kết quả xét nghiệm cho con, người phụ nữ nhiều lần gọi hỏi y tá nhưng không được đáp trả khiến cô bực, chia sẻ vụ việc lên mạng.
Nhiều giờ qua, cộng đồng mạng đang có những tranh cãi trái chiều xoay quanh câu chuyện một người phụ nữ vì bất bình trước hình ảnh nhân viên y tế ngồi chơi điện thoại, không đáp lại lời người nhà bệnh nhân nên đã quay clip đưa lên mạng xã hội, bày tỏ sự không hài lòng của mình trước hành động nghịch điện thoại, bắt bệnh nhân phải chờ đợi của nhân viên y tế.
Cụ thể theo thông tin tôi có tìm hiểu được trên trang Weibo Việt Nam, vào ngày 22/7, tại thành phố Tân Thành thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, một người phụ nữ họ Lưu đã phản ánh việc khi đến phòng xét nghiệm lấy kết quả xét nghiệm cho con vì bé bị sốt đến 38.6 độ C thì người phụ nữ này nhìn thấy một y tá đang cúi đầu chơi điện thoại ở phòng trong. Đáng nói ở đây là, lúc đó cô đã nhiều lần cất tiếng gọi hỏi y tá kia phải đợi bao lâu nữa mới có kết quả, nhưng người kia vẫn chỉ chăm chú cầm điện thoại chơi, không đáp lời lại khiến cô rất bức xúc. Vì thế, cô đã quay lại cảnh y tá chơi điện thoại rồi đăng lên mạng để cư dân mạng cho lời đánh giá.
Sự việc sau khi lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội thì phía bệnh viện cũng đã nhanh chóng phản hồi lại rằng: “Y tá trong đoạn clip trên là thực tập sinh của khoa, lúc đó đã hết ca làm của người này. Chúng tôi cũng đã phê bình và khiển trách về thái độ của thực tập sinh này và chấm dứt hợp đồng thực tập. Đồng thời, lãnh đạo bệnh viện đã họp và ra thông báo, từ nay về sau sẽ nghiêm cấm nhân viên y tế được sử dụng điện thoại trong khu vực bệnh viện.”
Sau ít giờ đăng tải, câu chuyện nhận được sự chú ý của đông đảo dân mạng. Nó cũng gây nên tranh cãi trái chiều ở nhiều quốc gia. Nhiều người cho rằng việc dùng điện thoại trong giờ nghỉ không có gì là sai trái đến mức bị bóc phốt rồi chấm dứt hợp đồng thực tập như vậy, nhất là với nhân viên y tế thì bình thường làm việc rất căng thẳng, phút nghỉ ngơi trở nên đáng giá hơn bao giờ hết. Tuy nhiên nhiều người lại nhận định, dù đã hết ca làm mà có bệnh nhân cần giúp đỡ thì phải hết lòng phục vụ. Lương y như từ mẫu, huống hồ bạn này chỉ mới là thực tập sinh thì cần phải xông xáo, chịu khó nhiều hơn nữa.
Tôi xin được trích lại một số bình luận nổi bật của mọi người trên mạng xã hội FB:
– “Nếu thực sự là đã hết ca làm của người đó, thì việc không để ý đến bệnh nhân cũng chẳng có gì sai hết. Người ta cũng chỉ ngồi ở đó dùng điện thoại thôi, cũng đâu làm khó dễ hay cản trở gì ai, có thể tìm nhân viên y tế khác đang trong ca làm mà?”
– “Ủa mình thấy bình thường mà, lúc làm nhiều việc chẳng ai thấy. Lúc chơi cái thì..”
– “Thế nên là tôi rất ghét những người cố tình chụp cái mũ cao cho những người làm nghề này, rồi cố tình buộc chặt đạo đức. Bác sĩ, y tá, nhân viên y tế không được dùng điện thoại, không được ăn cơm, không phải người bình thường mà là siêu nhân, lúc nào cũng phải túc trực 24/24 hết lòng sẵn sàng vì người bệnh, lúc nào gọi là phải đến đúng không?”
– “Vậy thì phải cởi bỏ bộ đồng phục y tế ra chứ. Dù sao thì ai mà biết được người kia đang trong thời gian nghỉ hay đã tan làm rồi? Chỉ cần cởi đồng phục ra thì chẳng ai biết mình là y tá mà bắt bẻ.”
– “Vấn đề ở đây cô ý tá kiệm lời quá. Nếu đã hết ca làm có thể trả lời một tiếng là hết ca. Chứ người ta thấy còn mặc đồng phục thì nghĩ là đang làm ai biết được các chị/anh lúc nào hết ca hay chưa?”
Không chỉ riêng ở Trung Quốc, thời gian trước ở Việt Nam cũng từng xảy ra vấn đề tương tự và cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Theo như lời người bệnh nhân này kể lại, do quá bức xúc khi phải chờ đợi lâu còn bác sĩ thì “nghịch” điện thoại nên anh mới chụp ảnh đưa lên mạng. “Tôi đến khoa TMH từ lúc 8h15 sáng và xếp phiếu ở trước cửa phòng khám rồi ngồi ghế đợi. Chúng tôi đợi đến 9 giờ kém 10 phút nhưng cửa phòng vẫn đóng, khi hỏi thì bác sĩ bảo cứ chờ. Tôi và rất nhiều người ngồi bên ngoài chờ, nhìn vào bên trong thì thấy một nhân viên y tế đang vô tư sử dụng điện thoại một cách rất tập trung. Bức xúc quá tôi nhìn lên tấm bảng ghi số điện thoại tiếp nhận thông tin, tôi gọi thẳng cho Giám đốc. Một lúc sau thấy có cuộc điện thoại xuống thì họ mới mở cửa tiếp bệnh nhân”, người bệnh nhân này kể lại.
Quay trở lại câu chuyện của nữ nhân viên thực tập ở trên, theo quan điểm cá nhân của tôi, trong trường hợp đấy thì cả nhân viên ý tế lẫn người nhà bệnh nhân đều có lỗi cả. Thứ nhất là ở y tá thực tập, có lẽ khi theo ngành này thì bạn nên hiểu rõ tính chất công việc của mình mà có trách nhiệm một chút. Nếu đã hết giờ làm thì có thể cởi bỏ đồng phục hoặc ít nhất nên đáp trả lại bệnh nhân một tiếng để họ khỏi sốt ruột. Vì bệnh nhân họ đến bến viện thấy ai mặc trang phục bác sĩ/ điều dưỡng thì họ sẽ rất tin tưởng, hay hỏi nhờ chỉ dẫn, đó là chuyện bình thường. Bên cạnh đó với công việc mang trong mình trọng trách cứu người thì bất kể lúc nào cũng nên đặt trọng trách đó lên hàng đầu.
Còn với người nhà bệnh nhân, tôi nghĩ cái sai rõ ràng nhất là việc quay và đăng tải hình ảnh người khác lên mạng khi chưa có sự đồng ý của người khác. Thay vì làm vậy trong cơn bực tức, người phụ nữ này có thể thẳng thắn bày tỏ với y tá. Chứ cứ lẳng lặng “ôm cục tức” rồi có hành động gây ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của người khác chỉ vì chút hiểu lầm nhỏ thì quả thật không đáng.