Sự thật về ông lão Hà Nội 11 vợ, 30 con, tiền "tính bằng cân"
Ở cái tuổi 73, ông Dương Văn Chuốt (ở huyện Sóc Sơn), được nhiều người mệnh danh là người đàn ông nhiều vợ, nhiều con nhất Hà Nội.
Ông Dương Văn Chuốt (73 tuổi, ở xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) cho biết mình có tới 11 vợ và 30 người con, cháu chắt thì không đếm xuể. Ở tuổi “thất tuần”, ông Chuốt khoe mình vẫn còn rất minh mẫn và ưa dùng đồ công nghệ…
Vợ cả 72 tuổi, vợ trẻ nhất mới 24 tuổi
Một ngày giữa tháng 4, PV Dân trí tìm về căn nhà của ông Chuốt tại xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Chúng tôi hỏi “ông Chuốt 11 vợ”, ai cũng cười rồi chỉ tay về ngôi nhà “to nhất thôn Thắng Chí”.
Quả đúng như lời đồn, nhà ông Chuốt hiện lên trước mắt chúng tôi bề thế với hàng rào điện chăng trước cổng, “la liệt” camera lắp xung quanh nhà. Trông thấy phóng viên, ông Chuốt niềm nở: “Vào đi, anh chị đi có vất vả không?”.
Ông Chuốt có vóc người nhỏ bé nhưng săn chắc và nhanh nhẹn. Ông có làn da nâu, ăn vận đơn giản nhưng trẻ trung với sơ mi trắng, quần âu, giày tây, chiếc túi đeo màu đen đã bạc màu. Tiếp chuyện chúng tôi, ông nói: “Đấy nhà chỉ có thế, giờ còn mỗi mình tôi với bà vợ thứ 6 cùng thằng con trai. Sáng giờ hai mẹ con nó mỗi người đi một việc, nhà tôi độc lập, tự do, không ai quản ai hết”, ông Chuốt nói.
Khi được hỏi về chuyện 11 vợ, 27 con, ông Chuốt cho biết: “Đấy là thông tin cách đây vài năm, giờ tôi có 30 đứa con rồi. Vợ trẻ nhất của tôi sinh năm 1998, đang ở Hội An, cô ấy đẻ cho tôi 3 đứa kháu khỉnh lắm”. Vừa nói ông vừa mở iPad cho tôi xem hình ảnh một cô gái trẻ cùng những dòng e-mail được cho là của cô vợ sinh năm 1998 gửi cho ông.
Ngoài ra, ông Chuốt còn khoe với tôi một số dòng thư mà một phụ nữ gửi cho ông, trong đó có những đoạn rất “lâm ly mùi mẫn”.
Ông Chuốt nói bản thân ông có rất nhiều vợ, trải dọc khắp từ Bắc tới Nam. Khi bắt đầu một mối quan hệ với ai đó đều là phía bên kia chủ động tấn công, chứ ông không phải là người đi tán tỉnh.
Nói về lý do có nhiều vợ, ông Chuốt chia sẻ, gia đình ông xuất thân nông dân tại xã Minh Trí, từ bố mẹ cho đến 7 anh chị em, ai cũng chỉ một vợ một chồng, không hiểu sao “cái số của ông lại như vậy”.
Năm 18 tuổi, ông bắt đầu lập gia đình với người vợ đầu tiên là bà Dương T.C. (SN 1950). Do vợ ông khi đó mới 17 tuổi nên cả hai chỉ làm đám cưới chứ không đăng ký kết hôn.
Đến năm 1980, khi đã có với bà C. 5 mặt con thì ông Chuốt gặp người vợ thứ 2, quê Lý Nhân (Hà Nam), là một phụ nữ sinh năm 1960.
Hai năm sau đó (năm 1982), ông Chuốt lại phải lòng người phụ nữ ở Quảng Ninh. Người này sau đó sinh cho ông hai người con và hiện vẫn sinh sống ở quê ngoại.
Ông Chuốt kể, do tính chất công việc, ông lang bạt vào tận miền Nam làm nghề cơ khí kiếm sống, rồi cũng kể từ đó ông tiếp tục có bà tư, bà năm, rồi lần lượt có tới 11 bà. Trong đó có tới 3 bà ở cùng xã Minh Trí.
Đến nay, 30 người con của ông Chuốt (trong đó có 1 người con nuôi), nhiều người đã có gia đình riêng và sự nghiệp thành đạt, một số còn nhỏ tuổi vẫn được ông đều đặn chu cấp tiền ăn học hàng tháng. Ông kể, người con cả của ông năm nay đã 51 tuổi, còn người con út của ông năm nay chỉ mới có vài tuổi.
Ông Chuốt khoe, hàng năm vào các dịp lễ Tết, con cháu của ông khắp nơi đều ùa về nhà ông thăm hỏi, vui chơi. Do đông con, đông cháu nên ông Chuốt làm hẳn một dãy nhà riêng, kê bàn ghế cho vợ, con về có chỗ ăn uống.
Nói về những người phụ nữ ông đã gắn bó, ông Chuốt nói không trói buộc những người người này phải ở với ông. Hàng tháng, bà nào cần tiền hay yêu cầu gì cứ gọi điện, ông sẽ chuyển khoản chu cấp. Ông Chuốt nói: “Như vậy cho đơn giản, thoải mái, chuyện tiền nong với tôi không phải là vấn đề”.
Trao đổi với PV Dân trí về câu chuyện của ông Chuốt, lãnh đạo UBND xã Minh Trí (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, chuyện ông Chuốt có 11 vợ đến nay vẫn chỉ là đồn thổi, chưa được kiểm chứng. Chính quyền địa phương chỉ biết, tại xã người đàn ông này có hai vợ, hiện ông Chuốt sống với người vợ thứ 2, người vợ đầu thì từ lâu đã không còn quan hệ, đi lại với ông.
Vị lãnh đạo xã cũng thừa nhận tại địa phương, ông Chuốt có nghề làm cơ khí giỏi và có tiếng từ trước tới nay.
Còn nhiều người dân sống gần nhà ông Chuốt đánh giá, nếu đúng có chuyện ông Chuốt ăn ở như vợ chồng với nhiều người phụ nữ rồi sinh con đẻ cái, thì đó chỉ được coi là những chuyện tình chắp vá, không thể gọi là “vợ”.
Máy gì cũng làm được, tiền tính bằng cân, mua Flycam để thăm ruộng
Dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông Chuốt có vẻ ngoài rất khỏe mạnh, minh mẫn, nhanh nhẹn. Hàng ngày ông vẫn đều đặn vào mạng đọc báo và cập nhập kiến thức mới. Trong chiếc túi màu đen hay mang bên mình, ông Chuốt luôn để chiếc máy tính bảng cùng hàng tá đồ công nghệ, cứ rảnh là ông lại mang ra để lướt thông tin trên mạng.
Ngoài công việc chính là thợ cơ khí, người đàn ông này còn làm ruộng và xoay sở đủ nghề để sinh sống. “Tôi làm nhiều nghề lắm, cứ cái gì ra tiền là tôi làm… từ bất động sản đến thợ cơ khí. Chả ai dạy tôi cả, tôi cứ mày mò tôi làm. Mà một mình tôi còn làm 6 sào ruộng cơ đấy. Lúa của tôi bao giờ cũng đẹp nhất thôn”, lão nông đặc biệt hãnh diện chia sẻ.
Vừa nói, ông Chuốt vừa dẫn tôi đi xem xưởng cơ khí bên cạnh nhà. Nhìn đống ngổn ngang máy móc không rõ hình thù, tôi hỏi ông sản xuất cái gì, ông bảo “cái gì tôi cũng sản xuất được”.
“Từ máy bơm nước tới máy xát gạo… cái gì tôi cũng chế được. Ai cần gì thì tôi làm đấy, cứ ra tiền là tôi làm. Mà tôi làm nhiều nhưng cũng chẳng biết mình có bao nhiêu tiền, cứ có tiền là tôi lại cất đi, tôi cũng chẳng đếm kỹ, có thời điểm tôi còn đem cân xem được bao nhiêu cân. Tôi cũng chả tiêu gì đến tiền, vợ con ai xin thì tôi cho. Ai khó khăn tôi lại giúp đỡ”, ông Chuốt nói.
Ra khỏi xưởng cơ khí, ông Chuốt chỉ vào dãy nhà mới xây: “Ở nhà tôi ít khi phải quét dọn lắm, tôi chế ra mấy cái máy phun, chuyên để tưới và rửa sân. Mỗi góc nhà tôi lắp một cái, tổng xung quanh nhà có 3-4 máy như này”. Nói rồi ông Chuốt đưa tôi đi xung quanh nhà để kiểm chứng và khoe hệ thống camera lắp kín nhà với 8 mắt ở xung quanh.
Chưa hết ngạc nhiên về độ chịu chơi đồ công nghệ của ông Chuốt, tôi lại suýt “ngã ngửa” khi ông cầm ra 2 chiếc flycam bảo: “Tôi mua để thăm ruộng cho tiện”.
Ngoài ra ông Chuốt còn cho biết, thời gian qua cứ có ai gặp khó khăn trong việc kiện tụng, cần trợ giúp pháp lý là ông tình nguyện làm đơn khiếu nại hộ. Hoặc ai tranh chấp ông lại đứng ra hòa giải, làm quan tòa bất đắc dĩ.
Vừa nói, ông Chuốt vừa mang điện thoại ra gọi cho những người mà ông từng giúp đỡ như để chứng minh cho tôi thấy. Ông kể, ông đã giúp đỡ không biết cho bao nhiêu người, có những người ở Bắc Giang như vụ cụ ông gặp án oán, hay mới đây là một cậu thanh niên ở miền Nam bị tòa kết án tội hiếp dâm…
Cũng chính vì cái sở thích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên ở trong thôn, ông Chuốt cũng không được nhiều người “ưa cho lắm” – ấy là theo lời ông nói.